Thương hiệu "Rượu cần Phú Túc"
(Cadn.com.vn) - Anh Lê Văn Hoàng (trú xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phấn khởi cho biết: "Sau 1 năm quảng bá thương hiệu, sản phẩm rượu cần của đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc đã được nhiều du khách trong và ngoài địa phương tìm đến thưởng thức. Hy vọng Tết Bính Thân 2016 này, với rượu cần Phú Túc, người dân nội thành sẽ có thêm một món quà Xuân nhiều ý nghĩa".
Ông Nguyễn Văn Vân - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú nhớ lại, khi dẫn đoàn thanh niên Cơ Tu tham quan, học tập sản xuất rượu cần tại H. EaLeo (Đắc Lắc) theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động miền núi, ông đã nung nấu việc xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề mang thương hiệu "Rượu cần Phú Túc", không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số. Với mỗi làng nghề, việc hệ trọng nhất là bảo đảm cho các sản phẩm thủ công của làng ngày càng phát triển mà vẫn giữ được đặc trưng vốn có. Trong khi những người tâm huyết đang ngày càng già đi, lớp trẻ có xu hướng xa quê, tìm hướng phát triển, thì việc giúp thanh niên địa phương khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết.
Quảng bá sản phẩm "Rượu cần Phú Túc" đến với người tiêu dùng. |
Anh Hoàng chia sẻ, khi mới thành lập, Tổ hợp tác sản xuất rượu cần Phú Túc có 8 hộ với dự kiến sản lượng 1.000 ché/năm, nhưng do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ ban đầu, bên cạnh đó, tiền đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng khá lớn (gần 100 triệu đồng) nên nhiều hộ chỉ sản xuất cầm chừng hoặc tạm dừng chờ hỗ trợ. Bây giờ còn lại 2 hộ mở rộng sản xuất với sản lượng 1.200 ché/năm. Hiện nay, gia đình anh và hộ ông Lê Văn Nghĩa đang tất bật chuẩn bị các mẻ rượu với nguyên liệu mới (sử dụng nếp thay gạo) để kịp phục vụ Tết Âm lịch. Anh Hoàng nhẩm tính, năm 2015, anh sản xuất được 600 ché rượu cần (bao gồm các loại từ 4-12 lít, giá bán từ 200-600 ngàn đồng/ché), trừ mọi chi phí anh lãi được 60 triệu đồng. Thu nhập đó không hề nhỏ đối với người dân miền núi như các anh. Già làng Lê Văn Rời khẳng định: "Nếu Đảng và Nhà nước không triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì có lẽ người Cơ Tu nơi đây đã quên hẳn việc nhóm lửa bếp rượu cần để bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số"... Bởi, ở đâu có rượu cần là ở đó có niềm vui, có tiếng cười và sự giao lưu thân ái. Người dân vùng cao coi rượu cần như một biểu tượng tình đoàn kết, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trước đây, người Cơ Tu chỉ xem rượu cần như một thức uống dành cho mùa lễ hội, chứ không hề nghĩ đến chuyện kinh doanh. Bây giờ, cùng với sự phát triển chung của xã hội, tương lai của làng nghề truyền thống sẽ khả quan nếu thanh niên làng nghề được khích lệ, được quan tâm hỗ trợ đúng mức...
Được biết, đầu năm 2015, rượu cần Phú Túc đã được các ngành chức năng TP cấp Giấy chứng nhận hợp quy đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều Khu du lịch trên địa bàn cam kết tiêu thụ sản phẩm... Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, việc xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống là hướng đi không chỉ giúp người Cơ Tu bảo tồn, phát huy và quảng bá được nét văn hóa độc đáo với du khách bốn phương, mà còn mở ra một hướng đi tích cực về làm kinh tế, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Chính quyền địa phương tiếp tục có trách nhiệm liên kết với các Khu du lịch trưng bày để quảng bá sản phẩm đến với nhiều du khách hơn nữa.
An Dương