Thương mại điện tử Đà Nẵng vẫn còn nhiều trở ngại
Thương mại điện tử là con đường nhanh nhất, trực tiếp nhất và rộng nhất để đưa sản phẩm đến với khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù đa phần các doanh nghiệp đã có trang thông tin điện tử, nhưng số lượng doanh nghiệp quan tâm và cập nhật thông tin trên đó là chưa nhiều, đặc biệt, rất ít doanh nghiệp vận hành trang thông tin điện tử phục vụ mục đích kinh doanh có hiệu quả.
Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng có trang thông tin điện tử, tuy nhiên, chỉ có 3 - 5% trang thông tin điện tử của doanh nghiệp được doanh nghiệp quan tâm, cập nhật thông tin và hoạt động có hiệu quả. Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Phạm Kim Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng về vấn đề TMĐT của doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Ông Phạm Kim Sơn. |
P.V: Ông đánh giá gì về tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay?
Ông Phạm Kim Sơn: Hiện nay, TMĐT Đà Nẵng còn quá nhỏ bé, rất yếu mặc dù chúng ta rất mạnh về công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp Đà Nẵng chủ yếu là khách hàng và chưa có đơn vị tầm cỡ như ở các tỉnh thành khác như TPHCM, Hà Nội. Các doanh nghiệp Đà Nẵng chưa mặn mà với TMĐT, ngay cả những hàng hóa tiêu dùng, ngắn hạn: quần áo, ăn uống, dịch vụ... vẫn chưa được ứng dụng nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chi phí cho TMĐT rất cao, bên cạnh đó cần phải đầu tư tài chính, con người, marketing, tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là các DN làm theo phương pháp truyền thống. Tiền vốn ban đầu để khởi nghiệp một doanh nghiệp đã ít giờ còn gánh thêm các khoản đầu tư TMĐT nên rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua. Hơn nữa, đầu tư TMĐT là cả một quá trình, nâng cấp, điều chỉnh TMĐT. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, làm DN không đủ nguồn lực để áp dụng TMĐT. Hiện trên địa bàn TP có khoảng vài chục ngàn doanh nghiệp nhưng chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ. Các DN lớn như dệt may, da giày, rơi vào các FDI có kênh phân phối riêng. Bên cạnh đó, một phần lớn xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng còn quá e dè, hoặc chưa đủ trình độ để tiếp nhận, sử dụng TMĐT. Một phần người tiêu dùng khác sử dụng TMĐT như đã mua hàng trên mạng thì lại ưng đồ rẻ. Dựa vào tính chất không thể cầm nắm, kiểm tra được sản phẩm, hoặc các vụ hacker, virus thay đổi tên miền... mà người dùng TMĐT trở thành một đối tượng rất dễ bị lừa, chất lượng chưa đảm bảo nên người tiêu dùng càng mất niềm tin. Đơn cử như một cái áo, trên mạng, chất lượng, hình ảnh rất đẹp nhưng mua về lại không đảm bảo chất lượng, hình ảnh không đảm bảo. Đơn cử, một đồng nghiệp của tôi cũng bị lừa, hàng đặt về được gói cẩn thận nhưng mở ra là một… cục gạch.
Thương mại điện tử sẽ là xu hướng phát triển chung của Đà Nẵng trong tương lai gần. |
P.V: Vậy theo ông phương án nào để có thể đẩy mạnh TMĐT trên địa bàn TP, đặc biệt là tận dụng nguồn sức mạnh công nghệ thông tin của Đà Nẵng?
Ông Phạm Kim Sơn: Hiện dịch vụ đơn thuần như bán hàng qua mạng còn quy mô rất nhỏ, đơn điệu không phải là cả một nền thương mại điện tử. Chính vì vậy, theo tôi cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xúc tiến trong việc kinh doanh, tổ chức hội đoàn, các hiệp hội ngành nghề, tạo sự liên kết với các công cụ thông qua các "ông lớn" (facebook, amazon...). Nhà nước đã có vai trò dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới công nghệ.... tương tự như vậy TMĐT cũng cần có hỗ trợ của Nhà nước. Tự thân trở thành một công cụ là rất khó, phải thông qua, đảm bảo an toàn trong vấn đề: chất lượng, giao nhận, thanh khoản... đòi hỏi phải có rất nhiều chi phí. Nếu nhà nước không hỗ trợ phần mềm thì Đà Nẵng không có công nghiệp phần mềm như hiện nay, nên NN đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cổng TMĐT của Sở Công Thương hiện nay cũng chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia, đòi hỏi phải có chính sách thu hút DN. Bên cạnh đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển TMĐT. Thông qua kênh truyền thông, thay đổi tâm lý tiêu dùng đóng vai trò rất lớn. Ở miền Nam là đồ đạc công cụ, Bắc là trang sức, trong khi đó Trung lại là của cải từ đó tạo ra thói quen tiêu dùng, giảm thói quen sử dụng tiền mặt. Đặc biệt là chi phí giao nhận- logistics hiện nay quá cao- đơn cử như một cái ống hút 600đ- chi phí giao nhận đã 180đ, đã chiếm 30%, phương thức thanh toán cũng khó. Trong tương lai, TMĐT là xu thế tất yếu, là công cụ để phát triển việc kinh doanh trong tương lai để thích ứng với thời đại số hóa toàn cầu, nên DN phải tận dụng TMĐT để đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, TMĐT chiếm tỷ trọng rất lớn- tối thiểu là online marketing, ngoài ra là thanh toán điện tử.
PV: Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!
LÊ ANH TUẤN (thực hiện)