Thương mãi mùi bùn

Thứ hai, 16/09/2019 11:42

LTS: Người Việt, phần đông sinh ra từ gốc rạ, bờ tre. Mùi đầu tiên xông vào mũi ắt cũng mang theo một phần bùn đất. Thế là, nó trở nên thân thuộc đến lạ thường. Suốt chặng đường đời đằng đẵng về sau, bất giác, giữa cuộc mưu sinh, họ lại "nghe" đâu đó mùi bùn đất thuở bình sinh ấy. Tản văn của Tăng Hoàng Phi, một người xứ Nghệ đang mưu sinh ở Hà Nội, mô tả miên man mà chân thật cảm giác ấy. Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Cái mùi bùn hăng hăng, ngai ngái trên cánh đồng quê, trong gót chân lấm tấm của bà, của mẹ đã ủ dưỡng, ôm ấp tôi suốt những năm tháng tuổi thơ dại khờ. Khi đi xa thì luyến nhớ, khi về nhà lại thương, thương đến nao lòng. Thứ mùi dân dã, giản dị nhưng không phải ai trong cuộc đời cũng có cơ hội trải nghiệm và gắn bó.

Bùn chắt chiu từ những hạt phù sa bé nhỏ, tạo nên một dòng dinh dưỡng khó ngờ, nuôi nấng không biết bao nhiêu cây cối, tạo nên mùa màng ấm no. Cây lúa gật gù, dây khoai xanh ngời, cây ngô trổ bắp tỏ lòng biết ơn bùn. Bùn là ân nhân của cây cối, của những người nông dân khổ cực. Mẹ là một nông dân, chân mẹ lúc nào cũng lấm tấm bùn. Mẹ kể về bùn như là người bạn thân thiết của mình. Mỗi ngày có hai mươi tư giờ đồng hồ thì mẹ có gần nửa thời gian làm bạn với bùn. Mẹ làm cỏ lúa, nhổ cỏ khoai, cỏ lạc, đi dẫn nước, thậm chí có lúc còn cày bừa thay bố.

Bùn vẽ nên bóng hình mẹ tảo tần, người nông dân lam lũ, vẽ nên những lo toan hằn sâu trong đáy mắt giếng khơi thăm thẳm, cả một đời chẳng biết bao giờ mới hết khổ cực. Những đứa trẻ quê cũng gắn bó với bùn từ rất sớm. Dường như mỗi đứa trẻ chúng tôi ngày ấy chẳng so đo, tỵ nạnh hay cảm thấy mình bất hạnh mà vui vẻ giúp đỡ bố mẹ từ tuổi còn rất nhỏ. Chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc... bùn dính bết hết cả lên mặt, tạo những đường vẽ nguệch ngoạc nhưng lại là năm tháng ấu thơ bình yên vô bờ bến.

Trên lưng trâu, chúng tôi ê a khúc đồng dao mới học, cầm sáo trúc tự chế thổi những bản nhạc không tên. Trong thoang thoảng gió Lào vắt vẻo, hương bùn đong đưa dịu nhẹ... Bùn lấm láp cả tuổi thơ tôi. Củ khoai nướng trên tay cũng có hương vị của bùn. Hạt thóc lép mót về từ ruộng bùn cũng hiển diện. Hương bùn thi thoảng còn vương trên cả những bữa ăn, bát cơm trắng nóng dẻo.

Nỗi nhớ về bùn, hình ảnh rõ nét trong tôi là những lần mẹ làm đồng về. Mẹ sẽ ra giếng khơi, múc gầu nước thật to giội sạch bùn từ chân. Bùn lênh loáng tan chảy, tôi phụ mẹ cọ những vết bùn còn sót lại sau gót chân. Dẫm lên bùn, một cảm giác mịn nhẹ, lan tỏa khắp bàn chân tôi. Mẹ tôi nói, làm nông dân khổ quá, bùn cứ dính mãi không thôi. Những ông bố, bà mẹ quê luôn có những lời động viên gián tiếp như vậy, tạo động lực cho con cái thoát khỏi cảnh ruộng đồng lam lũ, bùn sình bấu víu. Hương bùn ướp vào làn khói thuốc của bố, những đường cày khó nhọc, những nhát cuốc nặng trĩu. Và cả trên những vết chân chim chằng chịt quanh khóe mắt.

Bây giờ tôi đã lớn khôn, thoát cảnh ruộng đồng, thoát bùn sình như mong ước của bố mẹ. Nhưng thật lạ, có nhiều đêm mủi lòng nhớ quê tôi lại thương về hương vị bùn năm xưa. Bao năm rồi, hương bùn vẫn còn vẹn nguyên. Cái mùi ngai ngái, hăng hắc ấy cứ chập chờn, lởn vởn trong tôi mãi thôi. Thèm xiết bao được trở về ngày xưa thơ bé cùng lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ, đi cấy, đi gặt, bắt châu chấu, cào cào... với hương bùn lúc nào cũng quẩn quanh bên người. Với tôi, hương bùn không chỉ là ký ức nữa mà đó còn là một phần quan trọng trong hành trang lớn lên làm người của tôi.

TĂNG HOÀNG PHI