Thương nhớ chợ làng

Thứ ba, 18/12/2018 09:28

Cứ mỗi lần về thăm nhà, tôi không thể nào bỏ qua cơ hội đi chợ làng. Ngôi chợ gắn liền ký ức một thời tuổi thơ tôi. Dù trải qua nhiều năm, chợ vẫn không hề mất đi vẻ quê mùa, mộc mạc. Điều đó khiến những lúc tôi đi xa thương nhớ đến nao lòng. Gọi là chợ, nhưng thật ra chẳng phải là công trình xây dựng gì. Chợ nằm trên một bãi đất trống "đắc địa" chừng 1.000m2. Thoạt đầu chỉ có vài người nhóm, dần dần do vị trí thuận lợi nên bà con trong làng kéo nhau ra họp đông đúc. Từ đó, chợ trở nên nhộn nhịp vào mỗi buổi bình minh cho đến tận giờ ngọ mới kết thúc.

 

Sở dĩ tôi thích lang thang quanh chợ là để mãn nhãn bản sắc nhà quê, không lẫn vào đâu được. Ở đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trung niên mặc chiếc áo bà ba vải thô, tay xách giỏ, cắp rổ, đội chiếc nón lá cũ kỹ đi chợ. Hay những đứa trẻ ngây ngô theo chân mẹ vòi quà ăn sáng. Rồi có cảnh những bà cụ dù tuổi ngoài 70 nhưng vẫn chống gậy khấp khểnh dạo chợ vì nhớ... Người bán đều là người làng, ai có gì đem ra bán nấy. Tất cả hàng hóa nông sản đều được trồng thủ công, trừ những thứ không phù hợp với thổ nhưỡng mới nhập hàng từ nơi khác đến. Những đọt rau lang, rau muống, rau đắng, rau dại xanh mơn mởn được các cô hái từ chiều hôm qua giữ ẩm cho rau tươi xanh rồi tinh mơ mang ra chợ bán kiếm tiền chi tiêu trong nhà. Những chú ốc đắng, ốc bưu, cua đồng bò quanh miệng thau; những quả trứng vịt bám đầy sình đất là sản phẩm do chính tay những chú bé nhà quê dang nắng giữa trưa trên những cánh đồng xa tít tắp nhọc công bắt, nhặt. Lại có rất nhiều gà, vịt bị buộc chân kêu oang oác làm náo loạn cả gian hàng thịt, cá. Kỳ công nhất là những chiếc rổ, rế, thúng tinh tế do chính những ông cụ tỉ mẩn ngồi vuốt tre đan thành... Gian hàng ăn uống thì ôi thôi, quá nhiều món đến độ nghe mùi hương từ xa đã cảm thấy đói bụng, thèm thuồng. Bánh cũng chính do bà nội trợ khéo léo trổ tài, sáng nào cũng bê một mâm nhôm ra chợ "dụ khị" con nít. Kể ra sao cho hết khi mà chợ làng muôn màu muôn vẻ, đậm chất nhà quê.

Người ta tận dụng những thứ sẵn có như hốc cây, gò đất...để kê sạp, bày hàng. Những chiếc sạp thô sơ được làm từ tre, nứa, đóng đinh nhưng vô cùng chắc chắn, bền bỉ với thời gian. Và tất nhiên, chợ làng có một đặc trưng là bao giờ cũng có một dòng sông cận kề. Bởi sông là bến đỗ dành cho ghe thuyền, những phương tiện giao thông của bà còn vùng sâu, vùng xa ra chợ. Sông còn là loại hình giao thông chuyên chở hàng hóa, cũng như dùng nước để phục vụ tưới rau, rửa đồ... Sau khi tan chợ sáng, bà cho tất cả dụng cụ vào một chiếc tủ, lồng hay đơn giản là quấn vào cái bao ni-lông to rồi để tại chỗ. Vậy mà tài sản vẫn đâu nằm đấy, không mất đi. Chợ làng buồn vào những ngày mưa bão nhưng vui vào dịp lễ, Tết cổ truyền. Không vui sao được khi mà những người con xa quê hương chỉ trông chờ vào những ngày lễ tết để chạy ùa về bên gia đình, thăm quê, dạo chợ. Chợ làng vì thế mà vui không kể xiết. Gian hàng nào cũng đông nghịt người, chen chân không lọt. Chợ làng yên ả, thanh bình nhất là vào buổi trưa. Sau giờ ngọ, chỉ còn lại âm thanh xào xạc của những người lao công dọn rác và tiếng nói cười (đôi khi là thở dài) của các tiểu thương. Quang cảnh chợ im ắng. Trên cao, người ta chỉ còn nghe được tiếng gió khẽ chạm vào tán lá, tiếng chim hót ngắt quãng và cả tiếng ken két của những thanh tre chạm vào nhau. Những lúc thế này, ngồi trong quán cà-phê gần đấy nhìn ra chợ, thật dễ thương và nhu mì làm sao. Ký ức dung dị, ngọt ngào của thời theo bà lon ton đi chợ đòi quà lại ùa về. Chợ vẫn còn đây mà bà giờ ở nơi đâu?

TRẦN MINH THI