Thương nhớ rạm đồng
Thuở đó, người ta cày ruộng bằng trâu. Từng luống cày đều đặn, dài tít tắp đến tận kênh thoát nước. Tôi lẽo đẽo đi sau lưỡi cày bắt rạm. Đất được lật ngược lên từng nhát, rạm bò ra cả bầy lúc nhúc, tràn trên thớt đất cày, lớn có, bé có, gầy có, béo có…bắt đến sướng tay. Những con rạm thân hình căng tròn, mập mạp được tôi cho vào chiếc giỏ tre. Bắt rạm cũng phải nhanh mắt lẹ tay, nếu không kịp nó sẽ chui vào đất tẩu thoát. Trước khi cày, người ta cho nước vào ngâm khoảng một tuần cho mềm đất, để cày cho nhẹ.
Thuở xưa, làm ruộng bằng thủ công, dùng sức người và sức kéo của trâu bò là chính. Người làm nông như ba mạ tôi phải lao động quần quật, làm thâu đêm mãn ngày mà gạo ăn cũng không giáp hạt, có khi phải bán lúa non để có tiền nộp học cho mấy chị em tôi. Ngoài bồ (thùng) lúa lớn dự trữ xay gạo ăn quanh năm là tài sản lớn của cả gia đình, còn thức ăn thì mấy chị em tôi tự kiếm tìm, ra đồng hái rau, bắt ốc. Còn nhớ, rạm đồng là món ăn không thể thiếu của gia đình tôi khi mùa vụ Hè -Thu và Đông-Xuân tới. Rạm bắt về cũng được mạ ngâm nước vo gạo cho sạch bùn đất rồi phân loại: con nhỏ thì cho vào cối đá giã thật nhuyễn lấy nước để nấu canh rau, con lớn thì đem ram (chiên) hoặc luộc chấm muối tiêu ăn là ngon đến...nhức nách.
Cũng từ những con rạm đồng, qua bàn tay chế biến khéo léo của mạ tôi đã cho ra những hũ mắm rạm thơm lừng. Rạm được rửa sạch qua nhiều lần nước, để ráo nước rồi cho vào cối đá giã thật nhuyễn, vắt lấy nước cốt, bỏ vào cái hũ sành với lượng muối ướp thích hợp. Sau đó bịt kín hũ mắm bằng nhiều lớp bao ny-lon đem để kề bên chái bếp (bếp củi). Hơi nóng của bếp lửa hàng ngày truyền sang đã làm cho hũ mắm nhanh chóng lên men và cho mùi thơm rất…quyến rũ.
Người nông dân làm ruộng thuở ấy bón phân hữu cơ, phân lợn, phân trâu, bò; tro bếp tẩm nước tiểu…Do không sử dụng phân hóa học, không có yếu tố độc hại nên rạm đồng sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa. Rạm đồng là thức ăn sạch, ngon, bổ dưỡng vì giàu chất đạm. Nhiều con rạm có bụng trứng ăn béo ngậy, có con thịt săn chắc chẳng thua chi cua đá. Thịt rạm tươi ngon, thơm phức khi xào với hành tím hoặc ngò tây. Những buổi trưa đi học về bụng đói, nhìn đoại (tô) rạm ram (chiên) có màu đỏ thắm là đã kích thích vị giác đến phát thèm. Ớt tươi hoặc hạt tiêu tươi giã nhuyễn với muối hột, chấm rạm đồng thì không cao lương mỹ vị nào có thể sánh bằng. Thuở đó, ba tôi có người bạn trong Nam ra chơi, mâm cơm đãi khách "Vip" chẳng có chi giá trị ngoài tô canh rau tập tàng (rau lộn xộn nhiều thứ) nấu với rạm giã nhuyễn và đĩa thịt rạm luộc chấm muối tiêu. Ông khách ăn xong, cười khen rất dí dỏm: "Món cua đá đặc biệt của gia đình anh chị thếp đãi hôm nay chắc tui sẽ nhớ mãi tới già"…
Với tôi, bắt rạm đồng là thú vui tao nhã của trẻ con nhà quê ngày ấy. Hễ có người ra cày ruộng, bất kể ngày hay đêm thì mấy chị em tôi lại lẽo đẽo bám đuôi cái cày, cần mẫn nhặt nhạnh, kiếm tìm những chú rạm nhanh như sóc, cho vào đầy giỏ tre mới chịu về nhà. Tuổi thơ của tôi trải qua những bữa cơm quê nghèo của miền Trung xứ Huế với món mắm rạm đồng do mạ tôi tỉ mẫn chế biến. Mắm rạm còn được mạ chưng cất trong những cái vại (lu) nhỏ, dự trữ cho mùa đông thì đem ra dùng, trở thành hàng "độc". Hình ảnh những con rạm đồng bò thoăn thoắt quanh những thửa đất ruộng đang cày dở, hoặc những tô rạm luộc chín cho màu sắc sặc sỡ, thơm phức; chén mắm rạm có mùi thơm đặc trưng bên chái bếp… mãi là kỷ niệm đẹp khó phai nhòa trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy.
Tạp bút: Võ Văn Dần