Thủy điện Đa Nhim xả lũ, thủ phủ rau bị “nhấn chìm”

Thứ bảy, 05/11/2016 08:10

(Cadn.com.vn) - Sau gần hai ngày hồ thủy điện Đa Nhim tiến hành xả lũ, thủ phủ rau H. Đơn Dương (Lâm Đồng) đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Dọc sông Đa Nhim, dòng lũ tràn lên hai bên bờ khiến hàng ngàn héc-ta rau màu của người dân biến mất, chìm trong biển nước mênh mông.

Trong đêm 3-11, khi nhận được thông báo thủy điện xả lũ, nhiều hộ dân khu phố Quảng Lạc (TT ĐRan) tất bật di dời tài sản, vật nuôi để chạy lũ. Chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng dân quân tự vệ, CA để hỗ trợ người dân di tản đồ đạc, đưa người đến nơi an toàn. Trung úy Mai Văn Hùng (CAH Đơn Dương) cho biết, từ tối 3-11 đến rạng sáng 4-11, lực lượng CAH đã hỗ trợ 20 hộ dân thuộc khu vực dưới chân đập thủy điện di dời đến nơi an toàn, riêng hoa màu của bà con chưa kịp thu hoạch hiện vẫn chìm trong nước lũ.

Ghi nhận đến chiều 4-10, dòng nước chảy cuồn cuộn dâng cao hai bên bờ sông Đa Nhim, gây ngập nhà, đường đi và cuốn trôi nhiều diện tích rau màu của người dân TT ĐRan. Trong đó, gần 20 căn nhà của người dân thuộc khu vực Quảng Lạc (TT ĐRan) vẫn bị ngập trong nước. Ông Nguyễn Văn Thanh (khu phố Quảng Lạc, TT ĐRan) kể lại: “Họ bắt đầu xả lũ từ sáng hôm qua, đến chiều nước về nhiều hơn và cứ một giờ tăng thêm 100m3, đến tối đã đạt 700m3/giây nên bà con trong vùng bắt đầu thu dọn tài sản chạy lũ trong đêm”.

Theo thống kê nhanh đến chiều 4-11, toàn H. Đơn Dương có gần 1.000 héc-ta rau màu bị ngập trong nước sau khi thủy điện Đa Nhim tiến hành xả lũ. Diện tích này chủ yếu thuộc địa bàn các xã, thị trấn dọc hai bên bờ sông Đa Nhim. Đây hầu hết là những loại rau ngắn ngày hoặc rau mới được gieo trồng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2017. Ngoài những vườn rau trồng ngoài trời còn có nhiều loại rau trồng trong nhà kính, nhà lưới cũng bị nước lũ nhấn chìm. Đặc biệt, các đoạn qua địa bàn xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Ka Đô… nước dâng sát đến Quốc lộ 27. Tại cầu Ka Đô, nước lũ chảy cuồn cuộn và ngập hàng chục mét hai bên cầu. Chính quyền xã Ka Đô và Lạc Lâm phải huy động lực lượng chốt chặn, không để người dân lưu thông qua cầu từ đêm 3-11.

Dù đã được thông báo trước nhưng người dân Đơn Dương không kịp thu hoạch hết diện tích rau màu đang gieo trồng. Theo các hộ dân, đây là đợt xả lũ lớn nhất kể từ hơn 10 năm qua. Nhiều gia đình chỉ kịp chuyển đồ đạc, tài sản có giá trị trong nhà đến nơi an toàn, đối với các vườn rau màu bị ngập trắng đồng coi như thiệt hại hoàn toàn. “Nước lũ họ xả lớn quá gia đình tôi thu hoạch rau màu không kịp, giờ gần 1 héc-ta cà chua và đậu leo chìm trong nước coi như mất trắng rồi”, nhà vườn Lê Hồng Ngọc (TT Đran, Đơn Dương) buồn rầu nói.

* Ngày 4-11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai công tác phòng chống mưa, lũ trên địa bàn tỉnh. Dự báo thời tiết từ ngày 4-11 đến hết ngày 6-11, tại các khu vực trong tỉnh Ninh Thuận có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến từ 70-150mm), gây ngập lụt, sạt lở đường giao thông chia cắt cục bộ trên địa bàn tỉnh. Lũ trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đang lên, đặc biệt là vùng thượng nguồn lưu vực thuộc hai địa bàn huyện Ninh Sơn và Thuận Nam. Ngày 4-11, mực nước trên các sông tại Ninh Thuận đang ở mức trên báo động III. Nước sông Dinh đang dâng cao nên cống tiêu qua đê được đóng kín để tránh bị nước lũ trên sông trào ngược vào khu dân cư.

Nguyễn Dũng