Thủy điện đồng loạt giảm công suất

Thứ ba, 28/04/2015 08:10

(Cadn.com.vn) - Thời gian này là cực điểm mùa khô Tây Nguyên, nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn đồng loạt giảm công suất, thậm chí ngừng hoạt động. Doanh nghiệp điện thì “kêu trời than đất”, còn người làm du lịch thì bắt lỗi thủy điện.

Nhiều hồ chứa thủy điện ở Đắc Lắc nằm dưới mực nước chết.

Công suất thủy điện giảm mạnh

Sêrêpốk là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắc Lắc, đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mê Kông, đoạn chảy qua lãnh thổ Việt Nam dài 126 km. Nhiều hệ thống thủy điện được thiết kế theo kiểu bậc thang bố trí trên dòng sông này. Ba nhà máy có công suất lớn là Buôn Kuốp (công suất 280 MW), Buôn Tua Srah (công suất 86 MW), Sêrêpôk 3 (công suất 220 MW) cũng chỉ hoạt động được 14-16 giờ/ngày vì lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê của sở Công Thương Đắc Lắc, trong vòng quý I năm 2015, 3 nhà máy này chỉ đạt sản lượng 267,5 triệu kWh, chỉ bằng 72% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 10,4% kế hoạch mà Tập đoàn điện lực Việt Nam đã giao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 14 thủy điện vừa và nhỏ khác đang khai thác và vận hành từ các hồ, sông suối nhỏ nằm trên địa bàn các huyện: Ea Hleo, MĐrắk, Ea Kar, Krông Bông... cũng trong tình trạng giảm mạnh công suất hoạt động hoặc cầm chừng, một số nhà máy chỉ hoạt động được 3 giờ/ngày.

Nhà máy Thủy điện Ea Đrăng 2 của Cty Cổ phần Thủy điện Điện lực Đắc Lắc với tổng công suất 6,4 MW nằm trên địa bàn xã Ea Vi, H. Ea Hleo đầu tư với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng do thiếu nước nên phải dừng hoạt động từ tháng 2-2015. Thủy điện do tư nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc trong tình cảnh thê thảm hơn. Nếu sản xuất điện được cũng “chả ai mua” và các khoản vay ngân hàng đều bị tuýt còi, kết quả các khoản nợ xấu đều tăng và chưa có biện pháp nào để        hóa giải.

Mặc dù thiếu nước hoạt động nhưng các nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống sông Sêrêpốk vẫn xả nước để cung cấp nước tưới cho vùng hạ du. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2015, trung bình mỗi ngày hồ chứa Buôn Tua Srah của nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah xả gần 6 triệu m3 nước để phục vụ nông nghiệp. Nếu tình hình khô hạn ở Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài thì việc giảm mạnh công suất hoạt động hoặc ngưng hoạt động của một số nhà máy thủy điện là điều không thể tránh khỏi.

 Khung cảnh sông suối thành “hoang mạc” của khu du lịch Bản Đôn nổi tiếng.

Du lịch gặp khó

Sông Sêrêpốk là nguồn nước mặt quan trọng vào bậc nhất của tỉnh Đắc Lắc, tuy nhiên nó đang ngày một thay đổi về dòng chảy và lưu lượng một cách đáng kể. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc phá rừng làm nương rẫy diễn ra tràn lan hai bên bờ sông và khai thác quá mức vào mục đích thủy điện.

Được biết đến với khung cảnh hoang sơ và huyền thoại, nhưng vài năm gần đây, Khu du lịch sinh thái Bản Đôn nằm trên địa phận xã Ea Huar phải sống trong cảnh “hoang mạc”, những ngọn thác hùng vỹ giờ chỉ còn trong ký ức. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên: Sêrêpốk là dòng sông huyền thoại là hợp lưu của hai con sông Krông Ana (sông Chồng) và Krông Nô (sông Vợ), khi chảy đến xã Ea Huar (H. Buôn Đôn) thì dòng chảy vươn mình qua ghềnh đá tuyệt đẹp, chia thành 7 nhánh ôm lấy các ốc đảo trù phú xanh tươi. Nhưng giờ đây người dân và du khách không gọi nó là thác Bảy Nhánh nữa mà là thác “Một Nhánh” vì chỉ duy nhất một nhánh nhỏ có nước, 6 nhánh còn lại khô cạn.

Ông Nguyễn Trụ, đại diện Khu du lịch Bản Đôn cho biết: “Ngày trước khi chưa có hệ thống thủy điện bậc thang thì ở đây lượng nước rất đều đặn, không khô hạn bao giờ. Nhưng hai ba năm nay, thác chỉ còn đá, suối chỉ còn sỏi. Nhiều du khách đến tham quan trước đây bây giờ quay trở lại thì không tin vào mắt mình nữa. Chúng tôi phải hủy hai phần quan trọng nhất của mình đó là cưỡi voi lội dọc suối và đi thuyền độc mộc xuyên thác ghềnh để tham quan mộ vua săn voi ở Tây Nguyên. Du khách phản ứng dữ dội lắm nhưng cũng đành bó tay vì lấy đâu ra nước mà chèo thuyền độc mộc”.

Từ tháng 5 – 2014, Khu du lịch sinh thái Bản Đôn phải làm một việc xưa nay hiếm. Viết “đơn xin nước” cho những con suối ở đây, nhưng đến nay những dòng suối vẫn trong tình cảnh bãi đá sỏi không hơn không kém. Vì một thực tế nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A muốn hoạt động thì phải lấy nước trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Sêrêpốk 4 (thuộc Cty Cổ phần thủy điện Buôn Đôn) thông qua hệ thống kênh dẫn dòng dài 15 km băng qua các xã Ea Huar, Ea Wer và Krông Na thuộc H. Buôn Đôn.

Trong nắng hạn, một câu hỏi đặt ra từ lâu lại được nhắc đến: Liệu chúng ta có mải miết lắm với thủy điện bậc thang mà quên đi xung quanh cây cối, sông suối, con người...?

Tứ  Đức