Thủy điện và trách nhiệm với dân

Thứ bảy, 30/11/2013 13:35

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa tin, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO- chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4) hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại vùng hạ du, trực tiếp là một số hộ dân ở xã Phước Hiệp (H. Phước Sơn). Quanh chuyện này, cho thấy thái độ thờ ơ của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đối với thiệt hại của người dân vùng hạ du.

Theo công văn đề nghị của tỉnh Quảng Nam, từ tối 14 đến hết ngày 15-11, BQL dự án Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đăk Mi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu  có lúc lên đến 714m3/giây, cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4, nhất là xã Phước Hiệp. Tổng cộng có 13 nhà ở bị sạt lở (có 9 nhà bị sạt lở hư hỏng nặng), gây ngập úng 30 nhà và sạt lở đất nhà, đất vườn của 4 hộ dân; cầu qua sông Trường đi thôn 4, thôn 7 (xã Phước Hiệp) và cầu tràn bê-tông thôn 10 (xã Phước Hiệp) bị hư hỏng nặng hai đầu cầu và sạt lở mố cầu. UBND tỉnh đề nghị IDICO xem xét xây dựng khoảng 150m kè hoặc giải quyết kinh phí để di dời đến nơi ở mới cho 13 hộ trên; bên cạnh giải quyết hỗ trợ kinh phí cho 25 hộ tại khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 4A (xã Phước Xuân) sửa chữa lại nhà cửa...

 Một nông dân ở xã Đại An thất thần bên đám ruộng mất trắng do đợt lũ vừa qua.

Song, trong đợt lũ vừa qua, chẳng riêng H. Phước Sơn bị thiệt hại mà nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam cũng bị thiệt hại nặng, đặc biệt là những huyện thuộc hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn. Tại H. Đại Lộc, thiệt hại về tài sản khoảng 45 tỷ đồng, nặng nhất là cơ sở hạ tầng và hơn 13 nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và 11ha đất nông nghiệp bị sạt lở, bồi lấp.

Chưa có cơn lũ nào diện tích đất nông nghiệp và gia súc, gia cầm ở H. Đại Lộc bị cuốn trôi nhiều đến thế. Nguyên nhân được cho là do nước lũ dâng quá nhanh, người dân trở tay không kịp... Cả đời sống ven sông Vu Gia, có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống lũ nhưng nói đến cơn lũ vừa rồi, ông Phan Đình Hưng (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, H. Đại Lộc) ngao ngán: "Thủy điện xả lũ nên nước lũ dâng rất nhanh, chảy mạnh, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nghe tin xả lũ thì nước đã ập vào nhà rồi. Như rứa răng người dân dọn dẹp tài sản cho kịp, hoa màu ngoài đồng, tài sản trong nhà, vật nuôi đều trôi hết. Người dân bị thiệt hại nhiều như ri không chỉ tại "ông trời" mà có phần rất lớn của các thủy điện. Nên chi "các ổng" phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chứ không chỉ là hỗ trợ".

Những ngày nay, đi dọc các vùng hạ du sông Vu Gia- Thu Bồn, người dân đều bức xúc cho biết, từ ngày có các thủy điện "ngự" trên đầu nguồn thì họ chịu thiệt nhiều. Mùa khô thì cạn nước, mùa mưa nơm nớp sợ xả lũ. Hiện trên lưu vực sông Thu Bồn, Vu Gia có trên dưới 10 thủy điện lớn nhỏ, nhưng vẫn còn nhiều thủy điện chưa có động thái nào giúp đỡ người dân.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết, chưa bao giờ các NMTĐ có động thái hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau bão lũ chứ đừng nói đến chuyện đền bù, bồi thường. "Ai cũng biết lũ lụt nặng thêm có phần trách nhiệm của các thủy điện. Tuy nhiên, biết là một chuyện, chứng minh, phân định rõ phần nguyên nhân từ thủy điện là chuyện khác. Bởi thế, bảo họ đền bù hay khắc phục là rất khó"- ông Tính nói.

Bảng thông báo thời gian báo động xả tràn hồ chứa của một thủy điện. 

Mới đây, khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thăm và làm việc, Chủ tịch UBND H. Đại Lộc Nguyễn Văn Trúc đã đề nghị Chính phủ yêu cầu các thủy điện có nghĩa vụ, chia sẻ lợi ích với vùng hạ du. Yêu cầu các NMTĐ phải cảnh báo lũ sớm hơn nữa, bởi như hiện nay (trước 2 giờ) thì không kịp sơ tán.

Việc thủy điện xả nước quá nhiều như vừa rồi làm chính quyền địa phương không kịp trở tay. Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: thủy điện, hồ chứa xả lũ khi tích đầy nước là chuyện bình thường. Nó chỉ không bình thường khi xả không đúng với quy trình và nếu thủy điện xả sai quy trình là phải xử lý.

Dẫu biết là vậy, nhưng để kiểm tra quy trình xả lũ của thủy điện là chuyện của các chuyên gia. Còn thực tế, người dân chỉ biết, cứ mỗi khi các thủy điện xả nước lại khiến lũ lớn hơn, thiệt hại cho dân nhiều hơn. Vì vậy thủy điện phải có trách nhiệm với những thiệt hại của người dân, chứ không thể đem bảng "quy trình" ra lấp liếm.

Hoàng Anh