Thụy Sĩ không chỉ giàu tiền bạc

Thứ ba, 21/01/2020 12:28

Nói đến Thụy Sĩ, không ít người đều nghĩ đến đó như là một trong những nước giàu có nhất thế giới. Nhưng, gần 1 tháng sống cùng những gia đình Thụy Sĩ, đi thăm thú, tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây, mới thấy được, đất nước này không chỉ có… nhiều tiền, mà còn có rất nhiều điều thú vị, đầy nhân văn.

Zurich- một thành phố du lịch thu hút đông đảo du khách đến với Thụy Sĩ.

Đất nước làm du lịch siêu giỏi

Không phải ngẫu nhiên mà  Thụy Sĩ được xem là cái nôi của ngành du lịch thế giới, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo du lịch tại Thụy Sĩ luôn là lựa chọn hàng đầu với trình độ, kinh nghiệm giảng dạy đứng số 1 thế giới. Trên chuyến bay từ Thụy Sĩ trở về Việt Nam, tôi gặp chị Lê Thị Thanh Lan, sống ở TPHCM, chị vừa sang thăm cậu con trai du học ngành du lịch tại Luzern (Thụy Sĩ). Khi hỏi về sự lựa chọn của mình, chị mỉm cười: “Sau khi đi du lịch dài ngày tại đất nước đó, cô thấy người Thụy Sĩ làm du lịch có “siêu giỏi” không. Vậy học được cái giỏi của họ thì chẳng phải là sự lựa chọn thông minh nhất đó sao?”.

Quả thật, Thụy Sĩ là một trong những đất nước có phong cảnh núi non kỳ thú, quanh năm phủ đầy tuyết trắng, thảo nguyên xanh mướt, hồ nước trong xanh hay những dòng sông êm ả. Cảnh quan thiên nhiên được Chính phủ Thụy Sĩ gìn giữ, bảo tồn bằng mọi giá, kể cả trả tiền cho người nông dân bảo vệ cảnh quan; vừa để phục vụ người dân, vừa để phục vụ từ 20-22 triệu lượt khách đến du lịch tại đất nước này mỗi năm. Nền công nghiệp không khói- du lịch mang đến cho đất nước này nguồn thu không nhỏ, và người dân cũng hưởng lợi từ nguồn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Dù giá cả dịch vụ tại Thụy Sĩ vô cùng đắt đỏ, ví dụ như một tô phở có thể ăn ở Thụy Sĩ với giá 28-30 france (khoảng hơn 650.000 đồng-P.V, ở Pháp tầm 250.000 đồng/tô phở); những bữa ăn tại nhà hàng hoặc dịch vụ khách sạn cũng giá cả trên trời, nhưng du khách khắp nơi trên thế giới vẫn ùn ùn kéo về để tận mắt chiêm ngưỡng những khung cảnh thần tiên tại đất nước này. 

Chỉ riêng việc người Thụy Sĩ làm du lịch bằng việc tạo cảnh quan bên ngoài những ô cửa tàu, cũng thấy được sự tài tình của Chính phủ nước này. Tôi và bạn bè bỏ 250 france (hơn 5 triệu đồng) để tham gia một tour đi tàu đi về trong ngày, lên núi tuyết Jungfrau. Chỉ là ngồi trên tàu, ngắm cảnh, rồi “check-in” ở đỉnh núi tuyết, nhưng du khách cảm thấy vô cùng hài lòng, bởi bên ngoài những ô cửa tàu, là khung cảnh thiên nhiên: núi non trùng điệp, xanh ngút ngàn, những hàng cây lá chuyển mùa xanh đỏ, những ngôi nhà gỗ nằm cheo leo trên những sườn đồi... đẹp, hút hồn bất cứ ai “lỡ” chiêm ngưỡng khung cảnh ấy. “Chỉ nhìn ngắm những cảnh này thôi, tôi cũng thấy xao động rồi!”, bà Sherly- du khách đến từ Indonesia đi cùng chuyến tàu lên núi tuyết với chúng tôi, trầm trồ.

Thiên nhiên tươi đẹp là một trong những điểm nhấn của nền công nghiệp du lịch Thụy Sĩ mà Chính phủ đất nước này ra sức gìn giữ.

Bảo vệ người kinh doanh tối đa

Một đất nước, bất cứ người nào có ý định mở hàng quán để kinh doanh, đều được chính quyền ủng hộ cật lực. Sự ủng hộ đến từ việc, họ khoanh vùng khu dân cư, đánh giá sức tiêu dùng, sử dụng của cư dân trong vùng, để cấp giấy phép kinh doanh cho bao nhiêu cửa hàng kinh doanh, để đảm bảo rằng toàn bộ hàng quán mở ra, có thể tồn tại với lượng khách của mình. Chính quyền không cho mở ra quá nhiều, sẽ khiến cho các hộ kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh với nhau, dễ dẫn đến triệt tiêu lẫn nhau.

“Ở đây, nếu một cửa hàng mở ra, ví dụ như kinh doanh thực phẩm organic, thì những người ưa chuộng thực phẩm này sẽ ủng hộ cửa hàng lâu bền, dù giá cả các nơi có chênh lệch nhau. Vì quan niệm của người Thụy Sĩ, đó là cách “cảm ơn” cửa hàng mang đến cho họ thực phẩm như mong muốn của họ, và để cửa hàng được duy trì dài lâu...”, anh Nguyễn Thanh, một người Việt làm kinh doanh ở Thụy Sĩ hơn 10 năm nay, chia sẻ. Ngay cả những người làm kinh doanh, nếu tháng đó xuất trình đủ giấy tờ chứng minh là kinh doanh không hiệu quả, do nhiều yếu tố khách quan, thì lập tức chính quyền sở tại sẽ hoàn lại thuế đã thu trước đó, số tiền đủ để chủ cửa hàng duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Chính quyền tại Thụy Sĩ chú trọng vào việc đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ (không chú trọng phát triển doanh nghiệp lớn), chú trọng trợ cấp về thuế (được cắt giảm đến mức thấp nhất có thể) và trợ cấp về chi phí quản lý, tôn trọng quyền tự do của công dân.

Chị Glauser, có chồng là một bác sĩ đông y hoạt động ở vùng Sursee (Thụy Sĩ) kể câu chuyện mà ai cũng phải trầm trồ về chính sách nhân văn của đất nước này. Đó là vào mùa xuân năm ngoái, khi cả gia đình chị đang đi du lịch thì nhận được điện thoại của chính quyền địa phương nơi anh chị đang sinh sống. Họ thăm hỏi về chuyến đi, và hỏi anh chị có phải vừa sửa nhà hồi tháng trước hay không. Chồng chị xác nhận là có sửa, và báo lại chi phí sửa chữa. Chỉ 2-3 ngày sau, đã thấy một khoản tiền 5.000 eur chuyển vào tài khoản của chồng chị, và cho đó là số tiền thuế hoàn lại cho anh chị vì tháng rồi anh chị đã chi tiêu quá nhiều cho việc sửa chữa nhà. Hay như chuyện mới đây chị báo mất chiếc xe đạp của cô con gái chị, do cháu để trước nhà quên mang vào. Lập tức, bảo hiểm hoàn đúng số tiền gia đình chị mua chiếc xe đạp dù chiếc xe đạp đã sử dụng hơn 2 năm.

Ngay cả những tài sản trong nhà nếu bị trộm vào lấy, thì lập tức những gia đình ở Thụy Sĩ cũng được trả lại tiền không thiếu một đồng nào. “Ở nơi đây chính quyền sòng phẳng với người dân, nên người dân cũng rất trung thực với chính quyền, không báo thêm, không báo dối những mất mát hay tốn kém không trung thực. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái và bớt được sự lo ngại sẽ gặp phải khó khăn khi sống tại nơi này”, chị Glauser vui vẻ chia sẻ.  

Có lẽ vì vậy mà trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới dẫn đầu là Thụy Sĩ, với bằng chứng tuổi thọ của người dân Thụy Sĩ trung bình là 82,2; đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia sống thọ trên thế giới, nhờ có hệ thống phúc lợi và chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt tốt.

BẢO NGUYÊN