Tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt

Thứ sáu, 10/11/2017 08:49

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, một số địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng đã bị ngập lụt nặng. Đây là thời điểm các dịch bệnh như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng... phát triển mạnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Cùng với việc khắc phục hậu quả bão lụt, ngành y tế TP Đà Nẵng đang tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm giúp nhân dân bảo vệ sức khỏe.

Cán bộ y tế tổ chức phun hóa chất xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu dân cư.     

Theo BS Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) TP Đà Nẵng, để chủ động phòng chống mưa bão, lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, ngay từ đầu năm 2017, TTYTDP TP đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai kế hoạch, phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và không để dịch bệnh xảy ra.

Cụ thể, ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ gia đình nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng; theo dõi việc giám sát dịch bệnh, nhất là các ổ dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế trực thuộc kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các đội cơ động phòng chống dịch nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai, cũng như chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch. Qua đó, kịp thời ứng phó nếu các vụ ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh xảy ra.

Nhờ vậy, khi lũ lụt xảy ra, TTYTDP TP đã phối hợp với TTYT các quận, huyện khảo sát thực tế, nắm bắt tất cả các địa điểm, chợ, trường học, khu dân cư ngập lụt trên địa bàn. Ngành y tế cũng tiến hành ngay các biện pháp xử lý môi trường với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Ngoài ra, lực lượng y tế dự phòng chủ động vận động nhân dân tổng dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, lấp ổ nước đọng, thu gom rác và xác động vật chết; tiến hành xử lý hóa chất để sát trùng, tẩy uế môi trường cho tất cả các khu dân cư, trường học, chợ, giếng nước bị ô nhiễm sau bão lụt; giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt.

Theo thống kế của TTYTDP TP, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn TP có 459 thôn/tổ dân phố bị ngập nước (H. Hòa Vang: 413, Q. Cẩm Lệ: 26, Q. Ngũ Hành Sơn: 20) với hơn 12.900 hộ bị ảnh hưởng (H. Hòa Vang: gần 11.400 hộ, Q. Ngũ Hành Sơn: hơn 1.000 hộ, Q. Cẩm Lệ: 442 hộ); 78 trường học bị ngập (H. Hòa Vang: 76 trường, Q. Ngũ Hành Sơn: 2 trường) và 14 chợ bị ngập (H. Hòa Vang 13 chợ, Q. Ngũ Hành Sơn: 1 chợ); có 5.258 số giếng bị ngập (H. Hòa Vang: 4.955 giếng, Q. Ngũ Hành Sơn: 300 giếng, Q. Cẩm Lệ: 3 giếng); hơn 11.000 hố xí bị ngập và 31 khu vực trách lũ (nơi tập trung dân tránh lũ) bị ô nhiễm…

"Ô nhiễm môi trường và đặc biệt ô nhiễm nguồn nước sau bão lụt là nguyên nhân chính của các bệnh đường tiêu hóa, bệnh da liễu, bệnh về mắt đỏ do nhiễm khuẩn, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết… Hiện TTYTDP TP đã hỗ trợ và cấp cho các địa phương các máy phun thuốc, 175 kg hóa chất xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; 100 lít hóa chất diệt muỗi chống dịch bệnh SXH và gần 1.000 gói oresol để cấp cho người dân mắc bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời. Đến hết ngày 9-11, lực lượng y tế và các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý hóa chất khử trùng tại tất cả giếng nước, trường học, chợ và khu tránh lũ bị ngập nước. Những ngày tới, TTYTDP TP tiếp tục tiến hành xử lý hóa chất khử trùng tại các hộ dân, khu dân cư bị ngập nước nặng", BS Tôn Thất Thạnh cho biết.

 Trong mưa bão, lũ lụt, các mầm bệnh có thể theo nước lan đi khắp nơi, làm tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt sau mưa lũ, môi trường ô nhiễm do rác thải và xác động vật chết làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. BS Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (TTYTDP TP) khuyến cáo: "Mỗi người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Người dân cần tổ chức thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật".

LÊ HÙNG