Tiềm ẩn cháy, nổ tại các khu dân cư và giải pháp đặt ra

Thứ hai, 14/08/2017 14:53

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tục xảy ra các vụ cháy nổ nhà dân làm thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, đa số các vụ cháy bắt nguồn từ những căn nhà nằm trong khu dân cư (KDC) nơi tập trung đông người sinh sống nên công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đang đặt ra nhiều câu hỏi, giải pháp cụ thể trong thực tế công tác PCCC tại các KDC.

Tổ chức thực tập phương án tại khu dân cư nằm trong kiệt, hẻm nhỏ nhằm nâng cao nhận thức người dân.

Khu dân cư trong kiệt, hẻm nhỏ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao

Tại TP Đà Nẵng đã diễn ra một số vụ cháy trong KDC điển hình là vụ cháy ngày 5-4-2017 tại nhà số 48, đường Nguyễn Tư Giản, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn. Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC TP đã có mặt tại hiện trường chỉ chưa đầy 10 phút đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, toàn bộ ngôi nhà đã bị lửa thiêu rụi, 3 người tử vong. Hay vụ cháy mới đây nhất vào ngày 3-8-2017 tại nhà số K366/54-Hùng Vương, P. Tân Chính, Q. Thanh Khê do ông Dương Tấn Dừng làm chủ hộ, đám cháy đã khiến cháu Ngô Ngọc Bảo Nhi (2006) bị bỏng toàn bộ hai cánh tay, phần lưng và một chân, mức độ 46%. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân 2 vụ cháy trên do chập điện cháy lan sang các vận dụng khác trong nhà.

Những điểm chung dễ nhận thấy đó là các vụ cháy thường xảy ra tại các KDC nằm sâu trong ngõ nhỏ, việc tiếp cận chữa cháy rất khó khăn, CBCS phải triển khai nhiều đường vòi mới có thể chữa cháy được. Thêm vào đó, nhà dân được thiết kế dạng nhà ống chỉ có một cửa ra vào duy nhất. Thời điểm cháy lại diễn ra vào lúc giữa đêm vì thế công tác phát hiện cháy, thoát nạn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng cho hay, đặc thù nhà dân được thiết kế theo dạng nhà ống, không có lối thoát nạn thứ 2 chỉ có một cửa ra vào chính. Bên cạnh đó, người dân thường sử dụng toàn bộ diện tích ngôi nhà của mình để sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán, cho thuê, chất hàng hóa, để xe máy ngay lối ra vào... nên khi cháy nổ việc thoát nạn là hết sức khó khăn.

Với địa hình KDC  trong ngõ, hẻm nhỏ, cộng với nhiều hệ thống đường dây điện chằng chịt áp sát vào lan can của mỗi ngôi nhà khiến việc tiếp cận hiện trường chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, vì thế, việc tuyên truyền, nâng cao kỹ năng thoát nạn, ý thức PCCC cho người dân tại những khu vực này sẽ là cách tốt nhất giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng cho biết thêm, Thời gian đến, Cảnh sát PCCC TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC tại các KDC để người dân nhận thức tốt, đầy đủ hơn về công tác PCCC và có những biện pháp thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ tại nơi mình đang sống cũng như khu vực xung quanh.

Thực tập phương án chữa cháy, đưa nước chữa cháy vào tận kiệt, hẻm sâu

"Thiết kế, đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy tại các kiệt hẹp, hẻm sâu trên địa bàn TP mà xe chữa cháy không vào được nhằm có nước chữa cháy tại chỗ, kịp thời, không để cháy lan và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Với những KDC đông đúc, hẻm nhỏ dưới 2m thì mật độ trụ nước sẽ dày hơn". Đây là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tại Hội nghị Công tác PCCC trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày 20-4-2017. Theo đó, UBND Q. Hải Châu đã có kế hoạch khảo sát những KDC có nguy cơ cao về cháy, nổ mà xe chữa cháy không tiếp cận được để lắp đặt nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy tại chỗ. Đặc biệt lưu ý những KDC nằm sâu trong kiệt, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, cách đường giao thông từ 100-150m, không có trụ nước chữa cháy có các hộ kinh doanh, sản xuất các mặt hàng dễ cháy, nổ như vải vóc, vàng mã... nằm xen kẽ trong KDC...

Chủ trương này được người dân rất đồng tình, hoan nghênh, Ông Phạm Văn Huệ (Trú K149/75, đường Lê Đình Lý, tổ dân phố 75, P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu cho biết, tổ dân phố 75, P. Hòa Thuận Đông là khu vực đông dân cư, nếu xảy ra cháy tại đây, lực lượng chữa cháy phải mất một khoảng thời gian mới tiếp cận hiện trường và tổ chức chữa cháy. Việc xây dựng trụ nước chữa cháy tại đây, chúng tôi có thể sử dụng các đường ống chữa cháy cỡ lớn đấu nối vào trụ chữa cháy, tiến hành khống chế ngọn lửa không để cháy lan, cháy lớn, giảm thiểu thiệt hại đáng kể do cháy, nổ gây ra. Ngoài ra, UBND 13 phường trên địa bàn quận phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 1- Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng tiến hành tuyên truyền, thực tập phương án tại cơ sở, KDC có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ cao. Thông qua những buổi thực tập nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCCC, đánh giá được khả năng tổ chức chữa cháy, thoát nạn của lực lượng chữa cháy, người dân tại các KDC, đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản của Nhà nước và nhân dân.

VIỆT THÀNH