Tiêm chủng vaccine COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch

Thứ ba, 13/07/2021 11:44

Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đã được chính thức phát động ngày 10-7 và kéo dài từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Một trong những điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong cả quy trình tiêm chủng. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm vaccine online cũng như việc tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử”. Qua đó, ngành Y tế sẽ theo dõi được có bao nhiêu người đăng ký tiêm chủng, số lượng vaccine được chuyển đến các điểm tiêm, tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm...

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam, người dân từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm phòng vaccine COVID-19 cho cá nhân qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế nhấn mạnh không phải cứ đăng ký trước là được tiêm trước. Việc đăng ký tiêm qua mạng chỉ là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước.

"Tiêm chủng vaccine COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm. Cơ sở tiêm chủng trên địa bàn căn cứ vào thông tin này sẽ xác nhận lịch tiêm chủng cho người dân trong cùng thời điểm đó. Hệ thống sẽ chia theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định. Khi cung cấp thông tin, người dân sẽ cung cấp theo nhóm đối tượng trên hệ thống, dựa vào đó hệ thống sẽ phân loại để sắp xếp lịch tiêm phù hợp", ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Chia sẻ về thông tin trên sẽ được thể hiện trên “Sổ sức khỏe điện tử” đối với các trường hợp chưa tiêm, đã tiêm 1 mũi vaccine hoặc tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Nguyễn Trường Nam cho biết, sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên Sổ sức khỏe điện tử, hệ thống sẽ tạo ra mã QR Code. Mã này có màu đen và trắng, khi cá nhân người đó đã tiêm 1 mũi vaccine, mã này sẽ chuyển sang màu vàng và tiêm đủ 2 mũi sẽ chuyển sang màu xanh. Như vậy, từ bảng màu của mã QR Code sẽ biết tình trạng tiêm vaccine của người đó như thế nào.

Hiện nay, việc nhập các dữ liệu đang được tiến hành nên có thể một thời gian nữa những người đã tiêm vaccine trước đó mới có thông tin trên hệ thống. Mã QR Code trên sổ chứng nhận điện tử cá nhân này sẽ thay thế cho các giấy chứng nhận trước đó rằng, người này đã tiêm ngừa vaccine COVID-19, ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Nam, trên cơ sở dữ liệu tiêm chủng có thông tin người đã được tiêm (số mũi vaccine, chủng loại vaccine), sau khi tiêm xong, dựa trên “Sổ sức khỏe điện tử” khi di chuyển trong nước, qua các điểm kiểm dịch có thể quét QR Code để biết được tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này.

Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Nam thông tin thêm, hiện nhà cung cấp dịch vụ đã có phương án để bổ sung thêm năng lực xử lý của máy chủ cũng như băng thông đường truyền để giảm thiểu tối đa hiện tượng nghẽn mạng khi đăng ký tiêm chủng online. “Tất cả người dân trong đối tượng cần tiêm sẽ được tiêm. Do vậy, người dân không nên quá vội vàng, sốt ruột khi chưa đăng ký được ngay”, ông Nam cho biết.

T.H