Tiễn biệt “người kể chuyện về Bác”…

Thứ hai, 31/08/2020 18:28

Sau gần 3 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, cựu dũng sĩ Võ Phổ, 50 năm tuổi Đảng, người con của xã Hòa Liên (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nguyên giảng viên bộ môn lý luận chính trị trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Công nghệ Sài Gòn đã từ trần vào ngày 28-8- 2020. 4 lần gặp Bác Hồ và 40 năm “truyền lửa” tư tưởng Hồ Chí Minh, người thầy Võ Phổ vẫn đau đáu sợ một ngày nào đó, không còn được kể về Bác.

Võ Phổ (ngoài cùng bên trái ) cùng các Dũng sĩ miền Nam với Bác Hồ (1968). Ảnh: T.L

Một cuộc đời cao quý đã khép lại nhưng dư âm còn lắng đọng mãi với những ai yêu mến ông suốt 70 năm qua. Nhà tang lễ TPHCM suốt ngày 29-8, từng dòng người và hoa nối nhau đến viếng thầy Võ Phổ. Đông nhất là giáo viên  và nhiều lớp thế hệ học sinh các trường đại học trên địa bàn TPHCM. Mọi người chú ý hai vòng hoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi viếng, chia buồn.

Trước đó như lời bà Hồng Giang, vợ của thầy Võ Phổ, trong thời gian thầy bị bệnh, Thủ tướng đã nhắn tin hỏi thăm, cầu chúc người con Đà Nẵng mau hồi phục. Ân tình này thầy Võ Phổ đã cảm nhận được và rơm rớm nước mắt. Còn nhớ cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ thành lập Đội thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn cựu dũng sĩ (trong đó có ông Võ Phổ), phát biểu khẳng định, các cựu thiếu niên Dũng sĩ diệt Mỹ là tấm gương quý báu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, không bao giờ quên những liệt sĩ, thương binh đã hy sinh xương máu, trong đó có các thiếu niên Dũng sĩ diệt Mỹ nói riêng.

Năm 1968, với 12 lần được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cùng những trận đánh khiến kẻ thù khiếp sợ, Võ Phổ được ra Bắc và gặp Bác Hồ. Trong nhiều tấm ảnh chụp chung với Bác, có một tấm ảnh khá đặc biệt. Ông từng bồi hồi: “Các Dũng sĩ miền Nam vừa xuống xe thấy Bác Hồ, Bác Tôn thì mừng lắm, chạy ùa vào. Phổ chân còn đau bởi 14 vết thương nên đi rất chậm. Tôi cũng thấy mình lớn tuổi hơn các em nên từ tốn ngồi ngoài cùng trên chiếc ghế dài. Sau khi hỏi chuyện lần lượt từng bạn, bất ngờ Bác gọi: “Cháu Võ Phổ lại đây với Bác”. Bác gọi nhân viên mang một chiếc ghế thấp đặt trước mặt Bác, sau đó bảo: “Cháu Võ Phổ lên đây ngồi, bây giờ cháu đã không còn ngồi xa Bác nữa”.

Vậy là tôi không còn khoảng cách với Bác, vì đã được ngồi gần Bác như tất cả các bạn khác. Biết tôi vẫn đang bị thương, Bác hỏi: “Cái vết thương bên chân trái của cháu khỏi hẳn chưa?”. Sợ Bác buồn nên tôi trả lời: “Thưa Bác, vết thương thì nặng nhưng các bác sĩ chữa hết rồi”. Bác lại nói: “Bỏ vớ ra cho Bác xem”. Tôi làm theo thì Bác ân cần: “Vết thương của cháu vẫn còn mủ. Ăn xong, Bác sẽ đưa cháu đi bệnh viện”. Tôi òa lên khóc vì xúc động trước sự quan tâm của Bác. Từ giây phút ấy, tình yêu thương của Bác đã trở thành hành động và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời tôi”. Mới đây trong Chương trình: Hồ Chí Minh- sáng ngời ý chí Việt Nam nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, ông đã kể trực tiếp trên truyền hình kỷ niệm sâu sắc ấy khiến cả trường quay lặng đi.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, thầy Võ Phổ đã làm đúng như vậy. Gia đình ông ở thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên là gia đình tiêu biểu cách mạng. Cha, mẹ, anh trai, chị gái, em trai đều đã hy sinh. Lòng nhân hậu của thầy Võ Phổ, sinh viên Trường Đại học Bách khoa đều biết. Nhiều năm liền, ông dành tiền thù lao của mình gửi lại trường làm phần thưởng cho sinh viên học giỏi. Có những sinh viên sắp bỏ học vì không có tiền đóng học phí, thầy đều sẵn lòng giúp. Nhiều trò được thầy dựng vợ gả chồng. Thầy còn vận động các doanh nhân giúp đỡ các em mua vé xe về quê dịp Tết. Căn nhà của ông ở quận 2, luôn dành riêng một vài phòng cho con của đồng đội hoặc những học sinh nghèo. Chẳng thế mà, tại tang lễ ông, có một vòng hoa khá đặc biệt ghi: “Con cháu các cựu Dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam. Kính viếng”.

Ông Võ Phổ (giữa) cùng các cựu Dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam trong lần gặp ở Đà Nẵng (2018). ảnh: H.V

Điều ông đau đáu nhất hiện nay là làm sao tư tưởng của Bác Hồ phải gần gũi, lan tỏa trong sinh viên? Làm sao để dạy miễn phí cho các em? Bác Hồ ngày xưa đâu lấy tiền của ai, tại sao sinh viên học tư tưởng Hồ Chí Minh phải nộp tiền như các môn khác. Cũng chính vì tâm huyết với thế hệ trẻ mà dù nghỉ hưu đã 7 năm, ông vẫn tiếp tục đi dạy ở các trường đại học. Cách đây 30 năm hay bây giờ, các lớp học vẫn kín nghịt giờ của thầy Phổ, thậm chí tràn ra cả hành lang. Ông nhiều lần nói: “Mình có kinh nghiệm, thực tế, lại có nhiều kỷ niệm về Bác, bài giảng sẽ sống động hơn, dễ đi vào các em. Vì thế mà mình chạy đua với thời gian…”.

Ít ai biết, con người giàu cảm xúc như ông lại rất ngang tàng. Do thay đổi công tác, giấy tờ thương binh của ông bị thất lạc từ miền Bắc. Ông đi làm lại, cơ quan chức năng, là những người trẻ chưa nếm mùi chiến tranh, cứ hạnh họe, vậy là ông bỏ luôn. Ngay cả danh hiệu Anh hùng LLVTND dù chiến công oanh liệt, ông vẫn không chịu làm hồ sơ, vì luôn cho rằng những đồng đội đã khuất còn xứng đáng hơn. Ông cũng không chịu xin nhà đất cho mình dù ở Đà Nẵng hay TPHCM. Căn nhà bình dị tại quận 2, hoàn toàn do vợ chồng ông tạo dựng. Các con của ông mang tên những ngọn núi ở quê hương (Sơn Trà, Hải Vân) làm các doanh nghiệp bên ngoài, tự lập hoàn toàn, không dựa dẫm vào bố mẹ.

4 lần gặp Bác Hồ và 40 năm “truyền lửa” tư tưởng Hồ Chí Minh, cựu dũng sĩ Võ Phổ đã làm được nhiều hơn ông nghĩ. Ông lo sợ một ngày nào đó, không còn được kể về Bác. Cứ tính sẽ rất xa, vậy mà đến nhanh quá. Khi mà, trước khi cấp cứu ở bệnh viện, ông vẫn còn lên lớp…

Thương nhớ ông, mọi người lại nhớ một nhân cách lớn. Nhớ giọng nói khỏe trong vóc dáng hao gầy. Ngỡ tiếng nói ấy vẫn còn lan tỏa đâu đây với những câu chuyện về Bác, thắp sáng niềm tin trong các thế hệ sinh viên ở thành phố mang tên Người. 

HỒNG VÂN