Tiền & lệ

Thứ năm, 29/08/2024 08:50

Một sự kiện được coi là mang tính lịch sử cho bóng đá nữ Việt Nam diễn ra ngày 27-8: CLB bóng đá nữ TPHCM ký hợp đồng với 3 nữ ngoại binh Root Medhan Callahan, Barnett Talani Alexei và Taliana Marie Mason. Đây có phải là khởi đầu như một tiền lệ, hay chỉ một trường hợp "đặc cách"?

Các ngoại binh làm quen với đồng đội và sân tập ở CLB TPHCM.
Các ngoại binh làm quen với đồng đội và sân tập ở CLB TPHCM.

Từ quyết định "đột phá" của CLB nữ TPHCM...

Ở AFC Women's Champions League 2024/25 lần đầu tiên được tổ chức, đội nữ TPHCM đại diện cho bóng đá nữ Việt Nam tham dự. Để hướng đến kết quả tốt, nhà đương kim vô địch đã chiêu mộ 3 cầu thủ ngoại và chính thức ký hợp đồng với 3 nữ ngoại binh này.

Cầu thủ đầu tiên là trung vệ Barnett Talani Alexei (2000), từng thi đấu cho CLB Ohio State (Mỹ) và Columbus Eageles. Gương mặt thứ hai là tiền vệ tấn công Root Medhan Callahan (1999) từng khoác áo các CLB ở Canada và Iceland. Cuối cùng là Taliana Marie Mason (1999) có thể "kiêm" vị trí tiền vệ và tiền đạo, từng khoác áo CLB Detroit City FC (Mỹ).

Điều đáng quan tâm là, mức lương của 3 ngoại binh trên không quá cao so với các cầu thủ nữ TPHCM, kèm các khoản phí ăn ở riêng.

Dĩ nhiên, chủ quản CLB nữ TPHCM phải đề nghị VFF hỗ trợ hoàn tất giấy chuyển nhượng quốc tế cho 3 cầu thủ ngoại, cạnh đó là trường hợp của tiền đạo Huỳnh Như, hiện đang còn ràng buộc với CLB Lank FC của Bồ Đào Nha.

Nếu như mọi chuyện suôn sẻ, Huỳnh Như, Chương Thị Kiều sẽ có người "chia lửa" ở đấu trường AFC Women's Champions League. Và cũng từ đây, người hâm mộ Việt Nam chắc chắn cũng mơ rằng giải vô địch quốc gia nữ cũng xuất hiện những "Women's" đến từ Brazil, Hàn, Nhật… như giải vô địch quốc gia nam với Rafaelson, Hendrio, Rimario…

... Đến chuyện tiền và lệ

Quả thật, muốn có ngoại binh, dù nam hay nữ các CLB đều phải có tiền, rất nhiều tiền. "Hàng ngoại" chất lượng càng cao, kinh phí càng tăng, chưa kể gánh thêm trợ lý ngôn ngữ. Nhưng đó chưa phải là cản trở lớn nhất. Nhiều CLB "đại gia" đủ rủng rỉnh để mang về cả tá ngoại binh, nhưng "chỉ tiêu" là có hạn. Tính đến nay, số lượng ngoại binh được đăng ký cao nhất cho một CLB ở V.League là 6, nhưng đó là trường hợp riêng có của 2 CLB T. Nam Định và Thanh Hóa, khi tham gia đấu trường khu vực hay châu lục. Chưa hết, giải hạng Nhất và ngay cả Cúp quốc gia cũng chưa được phép dùng hàng ngoại. Nếu không vướng cái "lệ" này, với cách chiêu mộ vô tiền khoáng hậu như CLB Thanh Niên TPHCM, HLV Nguyễn Việt Thắng đã có một vài cái tên Âu, Mỹ La-tinh trong đội hình trước khi giải hạng Nhất khởi tranh?

Từ giải vô địch quốc gia nam mà "suy ra", người hâm mộ Việt Nam hiện đang quan tâm liệu 3 ngoại binh vừa được ký hợp đồng có thể thi đấu ở giải vô địch quốc gia nữ 2024? Soi vào Điều lệ Giải bóng đá nữ vô địch Quốc gia- Cúp Thái Sơn Bắc 2024 của VFF, ở mục A, khoản 5, phần 5.2 quy định về tư cách cầu thủ "là nữ cầu thủ có quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài" và phần 5.6 "được Đội đưa vào đăng ký thi đấu theo quy định của Quy chế bóng đá Ngoài chuyên nghiệp và được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xác nhận đủ tư cách thi đấu". Còn ở khoản 7 (đăng ký thi đấu), mục 7.1 (danh sách đăng ký) quy định "danh sách phải có tối thiểu 2 thủ môn và 1 cầu thủ nước ngoài gốc Việt". Từ đây có thể xác định, 3 ngoại binh sẽ không cùng thầy trò HLV Đoàn Thị Kim Chi chinh chiến ở Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia sắp tới.

Khi tái hợp với HLV Mai Đức Chung và đồng đội ở đội tuyển quốc gia mới đây, Huỳnh Như "ước" có thêm nguồn lực nữ cầu thủ Việt kiều góp sức cùng mình chinh phục các đấu trường khu vực và quốc tế. Một đề xuất từ cầu thủ xuất ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam (kể cả bóng đá nam) là một gợi ý đáng được lưu tâm. Từ việc CLB nữ TPHCM ký hợp đồng với 3 ngoại binh đến việc các CLB nữ khác có trong đội hình những cầu thủ nước ngoài chất lượng dù giải này hay giải nọ, cũng chỉ vướng ở chỗ "tiền" và "lệ", thậm chí có "tiền" lại vướng "lệ". Vấn đề đặt ra, nếu như có CLB nào gỡ được nút thắt đầu tiên, VFF và VPF cũng nên dần tháo nút thắt tiếp theo và cũng là quan trọng nhất, đó là sửa đổi hoặc bổ sung Điều lệ giải. Bởi ở mục D, Điều lệ Giải bóng đá nữ vô địch Quốc gia- Cúp Thái Sơn Bắc nêu rõ: "Chỉ có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới có quyền sửa đổi và bổ sung Điều lệ này bằng các thông báo cụ thể".

Hiệu ứng tích cực từ khi Giải bóng chuyền vô địch quốc giacho phép cầu thủ ngoại được đăng ký thi đấu trở lại (2022) như là một gợi ý để VFF "mở cửa" hơn với các giải quốc nội…

T.S

Tính đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ghi nhận 10 cầu thủ nam, 10 cầu thủ nữ được đăng ký tới Việt Nam dự giai đoạn 1 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 ở 8 đội nam, 7 đội nữ. Vòng 2, ghi nhận 21 cầu thủ (nam, nữ) đã đăng ký thi đấu ở Việt Nam.