Tiền lệ tốt!

Thứ năm, 03/10/2013 11:55

(Cadn.com.vn) - Đó là sự kiện mang tính “lịch sử” trong ngành Nông nghiệp Việt Nam, khi Cty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 của Viện Cây ăn quả miền Nam vào trung tuần tháng 9 với giá 2 tỷ đồng. Lần đầu tiên một giống cây trồng do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo được thương mại hóa đã đưa đến cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Trước đây, để có một giống cây ăn trái hoàn toàn mới (được công nhận) thì giống phải trồng ở nhiều điểm, do vậy rất dễ thất thoát ra ngoài. Vì vậy, chuyện làm ra giống thành công, bị phát tán ra nông dân, thậm chí thất thoát ra nước ngoài đã từng xảy ra. Nên vậy, việc bán bản quyền khai thác thanh long LĐ5 là hướng đi đúng, đáng ra phải được thực hiện từ lâu. Việc đăng ký bản quyền, bảo hộ bản quyền sáng chế này sẽ có lợi cho cả nhà khoa học, nhà quản lý và Nhà nước. Từ đây các nước muốn lấy giống sẽ không còn dễ như trước. Ví dụ nếu một nước khác trồng “chui” giống thanh long LĐ5 rồi xuất khẩu qua Mỹ, Nhật - thị trường Việt Nam đăng ký quyền bảo hộ thì chúng ta có quyền yêu cầu họ phải chấm dứt.

Ông ông Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh: Cty Hoàng Hậu sẽ độc quyền khai thác giống LĐ5 ở Việt Nam và những thị trường đăng ký. Thực ra ở đây bán thương phẩm (trái) thì lợi lớn (một năm có thể thu về 100 triệu USD), chứ bán giống giỏi lắm một năm chỉ thu 1 tỷ đồng. Điều đó được khai thác trên cơ sở hàng rào luật pháp rõ ràng”. Về số tiền 2 tỷ đồng bản quyền, ông Châu cho rằng, giống cây được đánh giá đúng giá trị, tiền bán bản quyền thu về sẽ dùng tái đầu tư nghiên cứu. Rõ ràng, không chỉ giúp nhà khoa học có thêm nguồn kinh phí, mà còn giúp đất nước không mất giống.

Nói về thương vụ này, ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Cty TNHH Hoàng Hậu cho rằng, đó là cái “bắt tay” cần thiết điều quan trọng là tạo tiền lệ trong việc hợp tác giữa DN và nhà nghiên cứu, cho một sản phẩm có tính cạnh tranh cao, ai cũng có lợi. Chúng tôi bỏ tiền mua, cũng là cách đặt hàng nhà nghiên cứu. Có kinh phí họ sẽ tái đầu tư, bởi sáng chế muốn đi vào đời sống thì không chỉ nâng cao sản lượng mà phải tăng chất lượng, như một biện pháp cạnh tranh.

C.T