Tiền mặt sẽ được siết chặt

Thứ tư, 11/06/2014 10:11

(Cadn.com.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt. Theo đó, các khách hàng phải trả phí nộp, rút tiền mặt tại NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, NHNN cũng dự thảo quy định thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn của Nhà nước.

THU PHÍ DỊCH VỤ TIỀN MẶT ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG

Theo dự thảo, thời gian đến, khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN, khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. Mức phí nộp, rút tiền mặt tại TCTD do từng TCTD ấn định cụ thể. Theo đó, mức phí nộp tiền mặt với khách hàng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp, mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút.

Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao trên thế giới. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), từng bước giảm dần TTKDTM. Trước đây, để hạn chế lưu thông tiền mặt, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2007/TT-NHNN, trong đó có nội dung quy định mức phí rút tiền mặt từ 0%-0,05%/giá trị tiền mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí. Do vậy, quy định cũ chưa ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện TTKDTM thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Quy định mới về thu dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng bảo đảm phù hợp với Luật NHNN, Luật Các TCTD, Nghị định 222 và các văn bản Pháp luật khác có liên quan. Việc quy định phí dịch vụ tiền mặt mang tính chất định hướng nhằm mục tiêu phát triển TTKDTM, phù hợp với bối cảnh, điều kiện Việt Nam hiện nay. NHNN sẽ có những điều chỉnh theo lộ trình và bước đi phù hợp theo thực tiễn và khi điều kiện cho phép.

Dùng tiền mặt bị xem là phương thức thanh toán lạc hậu, tốn kém và nhiều kẽ hở.
Ảnh minh họa

BƯỚC TIẾN MỚI

Đối tượng áp dụng của quy định này là các tổ chức có sử dụng vốn Nhà nước (TCSDVNN), TCTD, tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan đến giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của TCSDVNN.

Theo đó, các TCSDVNN được thanh toán bằng tiền mặt trong các trường hợp quy định cụ thể. Trước hết, đối tượng được thanh toán tiền mặt là các giao dịch thanh toán thu mua nông, lâm, thủy sản và vật tư cho người dân trực tiếp sản xuất nhưng chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Thứ hai, thanh toán công tác phí, trả lương cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Thứ ba, các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước. Cuối cùng là các khoản thanh toán khác với giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích thanh toán, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định 222.

Mục tiêu của việc ban hành quy định này nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn của các TCSDVNN. Việc quy định cụ thể này được xây dựng trên cơ sở đặc thù của các TCSDVNN là sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, chủ yếu đều có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, không làm cản trở hoạt động thanh toán, gây ách tắc các hoạt động của doanh nghiệp.

Trước khi có Dự thảo thanh toán bằng tiền mặt của các TCSDVNN, NHNN cũng đã triển khai Thông tư 01/2007/TT-NHNN để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn và góp phần cải thiện một bước tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước và các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, qua điều tra khảo sát, quy định cũ này bộc lộ nhiều hạn chế như quy định hạn mức thanh toán bằng tiền mặt 30 triệu đồng còn khá cao. Mặt khác, một số trường hợp thanh toán có giá trị lớn và đặc điểm của giao dịch có thể sử dụng phương tiện TTKDTM  để thanh toán nhưng chưa được điều chỉnh.

Có thể nói, đây là bước tiến mới trong việc thực hiện Đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các quy định mới này sẽ tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán, đồng thời quy định cụ thể mức phí đối với một số giao dịch thanh toán bằng tiền mặt.

Văn Khoa