Tiếng chim đập cánh trong chiều

Thứ ba, 20/08/2024 09:30

Ai từng có thời gian sống ở Huế mà chẳng nao lòng trước những âm thanh rất đặc thù của xứ thần kinh lúc chiều tà, hoàng hôn buông xuống, hay khi mặt trời ló dạng đằng đông. Cùng với lời kinh tiếng kệ là tiếng mõ cốc cốc vẳng lên từ các ngôi chùa. Tôi nhớ về bạn một đồng môn khi đó là tu sĩ ở một ngôi chùa cách trung tâm thành phố không xa.

Duyên là tôi với bạn thân nhau chỉ bởi cái tình người quê chân chất. Tôi ở một vùng quê xứ Quảng ra học, bạn cũng vậy từ làng biển ở Huế lên phố tu tập, học đạo, học chữ. Thêm nữa, đó còn là cái tình của những người làm thơ, bút danh của bạn là Nguyên Dung. Thoáng chốc đã mấy chục năm, chừ thì bạn đã là trụ trì một ngôi chùa thật xa mà tôi chỉ có thể biết được trên bản đồ. Thế nhưng cái duyên tôi lại gặp bạn (dù thoáng chốc) trong lần bạn theo đoàn công tác một tổ chức từ thiện ở nước ngoài về Huế rồi vào Quảng Nam.

Ngày đó, cùng với ký túc xá thì chùa bạn đang tu tập là nơi tôi thường lui về, ấm lạnh chung trong một phòng, gác hai, phía cầu thang phải đi lên nơi bổn tự. Nhớ mùa Vu Lan năm đó tôi rất bất ngờ khi bạn giới thiệu tôi với mẹ bạn lúc bà đang rửa chén bát, phụ việc cho nhà chùa. Như một số người đang phụ việc lúc đó, bà mặc bộ quần áo lam, tuổi chừng ngoài sáu mươi, khuôn mặt phúc hậu, hơi gầy. Bà cười chào tôi với một giọng Huế thật hiền tuy tôi không nghe rõ. Bà cụ vừa lên thăm con nhưng cũng là cách làm công quả với ngôi chùa mà con trai xuất gia tu tập. Chỉ giây phút thôi nhưng tôi cảm nhận được tình mẫu tử một người mẹ thật ấm áp và cả sự hy sinh lặng thầm không dễ gì cắt nghĩa được.

Đôi lúc đàm đạo chuyện thế sự, gia cảnh, bạn tôi tâm sự: Tuổi lớn rồi nhưng mẹ bao giờ cũng lo lắng cho mình. Thương mẹ đi lại vất vả, nhưng có lễ lạc ở chùa là mẹ lại khăn gói. Lên là để được nhìn thấy mặt con, lên là để nghe ngóng nó tu tập trưởng thành ra sao, lên là để cho sự gần gũi không cắt chia được tình mẫu tử, lên là để... học Phật mình cảm được điều: Nhu cầu sống là bản năng, nhu cầu bám lấy sự sống bằng chuyển kiếp, tái sinh cũng là bản năng. Chẳng riêng gì loài người mà loài nào cũng có, nhưng riêng sợi dây mẫu tử nó lạ lắm... linh cảm mỗi lần mẹ đến rồi mẹ đi hình như mình đều biết cả.

Lần tôi về quê biển Thuận An với bạn thì không gặp mẹ bạn nữa. Chung quanh tôi là âm thanh tiếng sóng biển, tiếng gió biển, tiếng những hòn sỏi lăn trong những ngôi mộ bên đường, tiếng tiềm thức một miền hương xa ngái... và cả tiếng gọi mẹ ở đâu đó thẳm sâu. Tôi không hỏi bạn điều gì nhưng sao mắt mình thật cay. Bạn dẫn tôi ra đồi cát sau nhà với đầy những lùm cây bụi. Tôi đoán chắc nó phải có bộ rễ bám thật sâu mới giữ được lá cành xanh tốt, rậm rạp như vậy. Rời rạc tiếng vỗ cánh của những loài chim cư trú ở đây như bản hợp âm của sự sống khá độc lập với chung quanh. Bởi bao bọc nơi đây điều kiện sống khá khắc nghiệt, nên lũ chim chóc cũng không thể vươn ra khỏi chốn này.

Bạn bảo tuổi thơ bạn gắn mình bên những vun cát này, những lùm cây bụi nơi này để vui buồn với bầy chim chóc. Đến mùa sinh sản, bên trong những lùm cây bụi kia vô số loài chim về làm tổ, đẻ trứng, sinh con..., đông nhất thường là mùa khô để thu sang con cái chúng đều ra ràng, biết chuyền cành, khôn lớn. Nhưng rồi chúng cũng chẳng bao giờ được yên khi con người đang tâm đánh bẫy từ phía những bãi sậy, vũng lầy phía bên kia trảng cát. Nhiều chim bố mẹ đi tìm thức ăn hay tìm mồi cho con đã không bao giờ còn về được nữa.

Do không còn chim bố mẹ bảo vệ, nên nhiều tổ trứng và cả những chú chim con bị những con vật xung quanh đến ăn thịt hoặc chết đi trong đói khát. Lạ là những chú chim con trước khi từ giã cõi đời đều có những tiếng đập cánh và tiếng kêu lạ lắm. Bạn bảo, ngay từ tuổi thơ bạn ám ảnh đến cả giấc mơ về tiếng chim non đập cánh trước khi từ giã cõi đời. Thêm điều nữa, không hiểu sao bằng linh cảm nào đó, khi chim bố mẹ bị sa bẫy, đập cánh giãy giụa thì những chú chim con hình như cũng biết được điềm dữ đó và cũng đập cánh theo...

Từ trong ý niệm vì thương cho sự sống của muôn loài mà Đức Phật khuyến khích mọi người nên phóng sinh, tức là đem lại sự sống cho một con vật sắp chết hoặc giải thoát cho chúng thoát khỏi cảnh giam cầm được trở về môi trường sống của mình. Những người theo Đạo Phật chân chính, hẳn biết rõ ý nghĩa của hai từ “phóng sinh” là như thế nào.

Tôi nhớ mùa Vu Lan trước khi xa Huế, tôi cùng bạn đã làm một công việc được gọi là phóng sinh, tức thả bay đi hai chú chim non (Trước Vu Lan khoảng hai tuần, hai chú chim non trong một chiếc tổ chẳng may bị gió lớn đánh rơi, mấy chú tiểu trong chùa mang về nuôi mớm cho nó ăn uống cứng cáp). Tiếng đập cánh của hai chú chim non rời khỏi bàn chúng tôi bay về cành cây trước mặt. Nó ngoái lại nhìn hai đứa tôi lần cuối như bày tỏ niềm biết ơn với tất cả mọi người và cả ngôi chùa đã dung dưỡng nó rồi mới chuyền bay sang cành cây khác.

Chiều hoang hoải nhẹ rơi thoảng nghe tiếng mõ cốc cốc đều đều vọng lên giữa không gian thanh vắng đến trầm buồn nhưng sao mà bình an đến lạ.

Cảm tác từ mùa Vu Lan 2024 - V.V.T

Tạp bút: Võ Văn Trương