Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm
(Cadn.com.vn) - Mô hình này hình thành cách đây gần 3 năm ở khu dân cư Phần Lăng 3 và đến nay P. An Khê (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã tiếp tục nhân ra trên diện rộng. Điều này cho thấy quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng tâm, hiệp lực của nhân dân trong nỗ lực góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, đẩy lùi dần tệ nạn trộm cắp đã nhiều năm tồn tại ở từng khu vực dân cư.
Ông Phạm Văn Thái, Chủ tịch UBND P. An Khê nhìn nhận: “Từ khi có mô hình "Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm", tình hình phạm pháp hình sự đã giảm hẳn, các đối tượng hình sự, TNXH, ma túy được ngăn chặn và đẩy lùi; nhân dân yên tâm công tác, làm ăn và mạnh dạn tự tin tố giác tội phạm”. Được xây dựng và đi vào hoạt động ở 3 tổ dân phố thuộc Chi bộ khu dân cư Phần Lăng 3, ngay trong năm đầu tiên, mô hình này phát huy được hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm.
Sau đó, Ban chỉ đạo 138 Q. Thanh Khê đã chỉ đạo P. An Khê nhân rộng và đến năm 2013 đã có 25 tổ dân phố triển khai xây dựng và đưa mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” vào hoạt động. Chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ kinh phí 47,5 triệu đồng cùng với số tiền gần 49 triệu đồng do nhân dân đóng góp để đầu tư mua sắm trang thiết bị và bồi dưỡng cho lực lượng dân phòng tự quản trong từng khu dân cư.
![]() |
Lực lượng dân phòng tự quản khu dân cư ở P. An Khê hoạt động theo mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm”. |
Trung tá Nguyễn Đức Thanh - Phó trưởng CAP An Khê nhận xét: “Mô hình này có ưu điểm hơn so với các mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Tiếng mõ báo động” của các địa phương ở chỗ sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để kích hoạt tiếng còi. Người điều khiển không nhất thiết phải có mặt ở trung tâm mà chỉ cần nhận được thông tin tội phạm qua điện thoại hệ thống sẽ kích hoạt ngay tiếng còi.
Do vậy, mô hình có tính quy mô, nhanh và kịp thời hơn. Mô hình không những phát huy tác dụng phòng ngừa tội phạm rất có hiệu quả mà còn là phương tiện để chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra còn thông tin kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân cảnh giác, phòng ngừa.
Gắn với mô hình này chính là hoạt động của tổ dân phòng tự quản. Ngoài lực lượng dân phòng cơ động của phường, hiện nay ở các khu dân cư thực hiện mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” đã có 157 thành viên trẻ, khỏe tham gia tổ dân phòng tự quản. Chỉ qua 36 đợt báo động, lực lượng này cùng nhân dân đã kịp thời ngăn chặn 20 vụ gây rối TTCC, bắt 5 vụ trộm cắp tài sản, thu giữ 1 xe máy và nhiều tài sản khác; đẩy đuổi 16 nhóm thanh niên tụ tập uống rượu, bia khuya...
Có lần, nhân dân ở tổ 55 (cũ) phát hiện một vụ trộm cắp tài sản đã tri hô báo động và kẻ gian đã bỏ chạy để lại xe máy và 6 bộ đồ Jean. Qua truy xét, CAP An Khê đã làm rõ đối tượng tên là Võ Chí Vinh (1992, trú P. Thạc Gián). Qua đấu tranh, Vinh khai nhận cùng đồng bọn thực hiện nhiều vụ trộm cắp trên địa bàn Q. Thanh Khê và TP Đà Nẵng được 15 laptop, 2 xe đạp...
Ông Nguyễn Văn Mười, Bí thư Chi bộ khu vực Phần Lăng 3, một trong những khu dân cư đi tiên phong xây dựng mô hình này cho biết: “Tiếng còi báo động đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong phòng chống tội phạm. Mọi người khi phát hiện tội phạm ở bất kỳ thời gian nào, ở đâu, chỉ cần gọi đến số điện thoại được thông báo thì hệ thống lập tức báo động để nhân dân và lực lượng dân phòng tự quản vây bắt. Chính điều đó đã góp phần làm giảm đáng kể nạn trộm cắp ở các khu dân cư trong mấy năm gần đây”.
Mới đây, khi gặp ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Chi bộ khu vực 9 Tân Hòa (P. An Khê), ông khoe: “Khu dân cư chúng tôi cũng đang xúc tiến để chậm nhất đầu tháng 9-2013 sẽ đưa mô hình này vào hoạt động cùng với 25 tổ dân phố khác trong phường”. Điều đó cho thấy, Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm đã có sức lan tỏa nhanh và ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn P. An Khê.
Phương Kiếm