Tiếng gọi từ những chiếu chèo

Thứ ba, 06/02/2024 11:06
Mỗi khi đặt bút viết về Chèo, âm thanh của tiết mục “Này chị em ơi” tựa như vẳng lên trong đầu, với bao nhiêu lạ lẫm. Tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, nhị và cả EDM (nhạc dance điện tử) hòa quyện nhuyễn đến mức khán giả không ngừng vỗ tay rồi thốt lên: một chèo rất khác, một Thị Màu rất khác, chèo đấy mà tràn đầy hơi thở hiện đại... Đó là cách mà lớp trẻ ngày nay thổi sức sống cho chèo – một loại hình nghệ thuật tưởng chừng đã mai một.
Những người trẻ giao lưu, giới thiệu, quảng bá về chèo.
Nhóm chèo 24h, nơi quy tụ những người trẻ yêu chèo.

“Opera dân tộc” âm ỉ cháy

Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo. Hát chèo xưa phân vùng châu thổ sông Hồng thành 4 chiếng chèo: chèo Đông, chèo Đoài, chèo Nam, chèo Bắc tương ứng với 4 trấn Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc xung quanh thủ đô Hà Nội. Mỗi chiếng đều có những ngón nghề đặc trưng riêng. Trải qua nhiều năm tháng, trong tứ chiếng chèo xưa, hiện nay chiếng chèo Nam còn được bảo tồn tốt hơn cả bởi có các địa phương mạnh về chèo như: Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam...

Ngày cuối năm, trong cái rét ngọt, nắng hanh hanh vàng sân đình, chúng tôi tìm về một vài chiếu chèo đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh già trẻ gái trai kéo đến sân đình trong tiếng trống chèo giục giã, tưởng chỉ còn trong ký ức của các cụ ông cụ bà, thế nhưng lại đang bùng lên sức sống mãnh liệt ở những cái nôi của nghệ thuật chèo.

Niềm đam mê chèo của giới trẻ.

Không kẻng gọi, không loa phát thanh thông báo, cứ đến giờ, đến lịch, thành viên của các CLB chèo huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lại tề tựu đông đủ, rộn ràng hát ca. Cô Đỗ Thị Hương thành viên chèo Yên Khánh cho biết, ban ngày đồng áng vất vả thế nhưng tối về cơm nước xong là lại háo hức chuẩn bị quần áo, son phấn, cầm quạt lên nhà văn hóa múa. Điệu chèo tiếng trống có sức mê đắm gọi mời ghê gớm. Các CLB chèo Yên Khánh ngày một lớn mạnh vì mỗi năm lại có thêm nhiều thành viên say chèo tham gia, tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong lời ca tiếng hát.

Ông Phạm Hồng Hải, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, Ninh Bình, một “fan” của chèo, nói với tôi, những năm qua, phong trào hát chèo trên địa bàn huyện Yên Khánh phát triển mạnh. Toàn huyện có gần 300 thôn xóm có câu lạc bộ hát chèo, có 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú. Người dân sau ngày lao động mệt nhọc tham gia hát chèo có tinh thần phấn khởi. Khai thác các trích đoạn chèo cổ song song sáng tác lời mời, huyện Yên Khánh đã đưa nghệ thuật chèo thành hoạt động văn hóa thường xuyên, tổ chức nhiều cuộc thi và đưa chèo thành công vào trường học...

Giới trẻ đem sức sống mới đến cho Chèo.

Theo Nghệ nhân chèo Ưu tú Phạm Ngọc Giới, ở đồng bằng sông Hồng và các làng quê Bắc Bộ rất ưa chuộng chèo. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ những năm thập kỷ 60 của thế kỷ XX, người ta gọi chèo là một hình thức “opera dân tộc”. Chèo chính là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch,... vô cùng độc đáo. Không bán vé, cũng không cần sân khấu lộng lẫy, người nghệ sĩ có thể chính là những nông dân trong làng, sáng còn cày ngoài đồng, tối gột rửa bùn đất, hóa thành những Xúy Vân, Hề Chèo, Tống Trân - Cúc Hoa, Thị Màu, Thị Kính... góp vui cho mình, cho làng xã.

Chính bởi sự gần gũi đó, giữa vô vàn loại hình nghệ thuật âm nhạc, chèo vẫn âm ỉ “cháy” bằng một sức hấp dẫn riêng. Sức hấp dẫn của thứ nghệ thuật bám rễ ăn sâu trong đời sống dân gian. Sức hấp dẫn ấy đã đi vào thơ ca, văn học mà chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy/Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”...” - (Mưa xuân, Nguyễn Bính).

Nói về chèo, NSƯT - TS - Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, cả nước hiện chỉ có 18 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp nhưng có tới cả ngàn CLB chèo được sáng lập tự phát nhiều nơi như: Bắc Giang có 40 CLB chèo, Bắc Ninh có 60 CLB chèo, Hà Nam có 70 CLB chèo, Hải Dương có 190 CLB chèo, Nam Định có 200 CLB chèo,... Hình thức sinh hoạt của các CLB chèo hiện đại đã vượt ra khỏi không gian làng xã, giao lưu các tỉnh, thậm chí có nghệ nhân đi biểu diễn quốc tế.

Không gian chèo thu hút ngày càng nhiều người trẻ tham gia.

Giới trẻ tìm đến Chèo

Tháng 10-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập hồ sơ di sản với nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng, đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ đó tới nay, nhiều hoạt động tích cực đã được triển khai trong đó có hoạt động đưa chèo tới gần hơn với thế hệ đương đại.

Hát chèo ngày càng có nhiều hướng tiếp cận công chúng.

Tuy nhiên, từ nhiều năm trước đó, dòng chảy chèo vẫn tự phát âm thầm tiếp mạch thông qua nhiều dự án, chương trình của giới trẻ. Tiêu biểu trong số đó là CLB Chèo 48h (ra đời năm 2014), dự án “Tôi xê dịch” với “Windy 9: Tiếng vọng ngàn năm” (2013) và “Tiếng trống chèo” (2015)... Sau gần chục năm thu hút sự chú ý với nhiều chiếu chèo trong cộng đồng, mới đây, trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế & Sáng tạo Hà Nội 2023, CLB Chèo 48h đã đặc biệt gây ấn tượng với 2 đêm diễn “Đường trường” ngày 19-11 và chương trình “Đối thoại Đôi bờ” ngày 25-11.

Với “Đường trường”, khán giả không chỉ được thưởng thức mà còn được hướng dẫn trải nghiệm các làn điệu chèo cổ, chơi đạo cụ, nhạc cụ và hóa thân trở thành các dạng vai cơ bản trong nghệ thuật chèo truyền thống. Ở “Đối thoại Đôi bờ”, lấy cảm hứng từ câu ra vai đặc trưng trong nghệ thuật Chèo và đặc biệt là sắc thái tính cách của nhân vật Thị Mầu, các bạn trẻ producer Nguyễn Thái Hưng (DJ Silver7), Sinh, Đường Trần, Trần Ngát đã gửi tới công chúng sáng tác “Này Chị Em Ơiii”. Sự kết hợp âm nhạc Đông - Tây mang đến một trải nghiệm văn hóa đa dạng, giao thoa Chèo với các âm nhạc hiện đại, mang đến sức sống mới, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa... Khán giả đi từ ngạc nhiên đến không ngừng vỗ tay và thốt lên: một chèo rất khác, một Thị Màu rất khác, chèo đấy mà tràn đầy hơi thở hiện đại... Đây là cách mà giới trẻ ngày nay lôi cuốn khán giả đến với chèo, giúp giảm nguy cơ mai một, bảo đảm cho chèo có một sức sống lâu dài hơn.

Những người trẻ giao lưu, giới thiệu, quảng bá về chèo.

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Chủ nhiệm CLB Chèo 48h cho biết: “Những người yêu chèo sẽ thấy chèo thật sự hay lắm, đẹp lắm! Chèo triết lý nhân sinh, gắn với đời sống, gắn với lời ru của bà, của mẹ, nó mang tính thuần Việt. Bởi vậy, thế hệ trẻ trong CLB Chèo 48h ý thức được rằng gắn bó với chèo là góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Những ai yêu chèo và âm nhạc truyền thống có thể đến CLB vào các tối thứ năm hàng tuần để được nhập vai. Chèo 48h là sân chơi cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có nơi để tìm hiểu, để thử sức với những loại hình nghệ thuật truyền thống”.

Hình ảnh khán giả háo hức đến với đêm diễn đã ít nhiều cho thấy nghệ thuật truyền thống vẫn có sự hấp dẫn nhất định và chưa bao giờ tắt. Chỉ là, nghệ thuật truyền thống cần được đặt đúng chỗ, diễn xướng trong không gian đã sinh ra nó. Tiếp đó là thay đổi cách tiếp cận. Bởi thế giới đã có nhiều thay đổi, cách yêu và đến với chèo ở người trẻ cũng khác thế hệ trước. Chị Thu Trang (22 tuổi, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây chưa bao giờ đi xem chèo. Lần đầu tiên ra Hà Nội, đến với sân khấu chèo đình làng Tứ Liên vì tò mò, Trang không khỏi ngỡ ngàng phấn khích. Chiếu chèo bên sân đình thực sự cho Trang cảm xúc như được sống trong không khí Xuân của một miền quê thân thương Việt Nam xưa, như đang cùng các bà, các mẹ xếp ghế ra sân đình ngày lễ hội... Cảm xúc ấy nó lạ lắm! Vui, xúc động, nhớ quê hương, yêu quê hương, yêu nghệ thuật truyền thống...

Khán giả Đỗ Thị Hồng (67 tuổi, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) sau khi xem chèo cũng xúc động cho biết: “Cứ mỗi lần nghe chèo bác rất nhớ quê. Chiếu chèo xưa thường diễn vào ngày lễ Tết, đầu xuân, hội làng, mừng thọ... Thế nên với những người con đi xa quê làm ăn, cứ nghe làn điệu chèo là lại thấy xốn xang, rạo rực nhớ quê hương, nhớ những Tết xưa xum vầy cùng ông bà và những người thân, bạn bè thôn xóm í ới gọi nhau đi nghe hát chèo... Nghe chèo, xem chèo xong chỉ muốn xách ba lô về quê ăn Tết luôn...”.

“Xuân này vui Tết lại vui quê

Lại chuyện bán buôn chuyện hội hè,

Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm

Giậu tầm xuân nở bướm vàng hoe.

Vào đám làng tôi mở trống chèo

Bay cờ, lộng gió, đỏ đuôi nheo

Lớp màn Thị Kính nuôi con mọn

Tôi biết người xem lệ chảy nhiều…”.

(Nguyễn Bính)

TUYẾT VÂN BÙI