Tiếng kèn môi nơi thượng nguồn sông Cả

Thứ sáu, 23/07/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Ở bản Piềng Chắn, xã Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An có cặp vợ chồng người Thái đang ngày đêm gìn giữ và phát huy những điệu pí, điệu khèn, điệu xuối… của dân tộc Thái. Vợ chồng nghệ sĩ ấy là Vi Đình Công, Lô Thị Khoành, họ được người dân ở đây gọi với cái tên thân thuộc “nghệ sĩ của bản làng”, được xem như “bảo tàng âm nhạc sống” của miền Tây xứ Nghệ.

Ký ức hào hoa

Trong ngôi nhà sàn giản dị, bạc phếch nắng sương, ông Vi Đình Công (72 tuổi) nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời mình: “Khi mới chập chững tập đi, ta đã thích nghe tiếng khèn bè, kèn môi, tiếng sáo véo von, réo rắt của quê hương mình. Lớn lên, ta suốt ngày đi theo già Tấu thổi khèn và làm khèn giỏi nhất bản. Cũng từ đó, ta bắt đầu học thổi khèn, múa khèn rồi làm khèn”.

Ngày ấy, tiếng khèn của chàng trai Vi Đình Công vang xa khắp mường trên bản dưới, nhiều cô gái đẹp khắp nơi bị mê hoặc bởi tiếng khèn bè ấm áp của anh. Nhưng Vi Đình Công chưa nghĩ đến chuyện lấy vợ sớm mà tình nguyện đi thanh niên xung phong, đưa tiếng khèn, tiếng hát của mình phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Nghệ nhân Vi Đình Công đang biểu diễn kèn môi.  

Những năm tháng ác liệt mở đường cho quân ta ra tiền tuyến, tiếng khèn, tiếng hát của Công đã cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của các đơn vị bộ đội, các đội du kích. Nhận thấy năng khiếu văn nghệ và lửa nhiệt huyết của chàng trai trẻ người dân tộc Thái, cấp trên đã tin tưởng giao cho Công đảm nhận chức Đội trưởng Văn nghệ H. Tương Dương.

Từ khi nhận nhiệm vụ mới, Vi Đình Công đã cùng đội văn nghệ trèo đèo lội suối phục vụ bà con trong và ngoài huyện như Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong... để tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An vững tâm một lòng đi theo Đảng.

Tất cả các chương trình văn nghệ, lễ hội hay hội diễn nghệ thuật của huyện, của tỉnh, rồi liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi đều có sự góp mặt của Vi Đình Công. Trong chặng đường phục vụ, tiếp xúc với nhiều dân tộc anh em, Vi Đình Công đã học hỏi được cách sử dụng và chế tác được nhiều loại nhạc cụ của dân tộc Mông, Ơ Đu, Khơ Mú...

Trong men rượu lâng lâng, ông Vi Đình Công cười, nụ cười ý nhị như thời trai trẻ đang hiện ra trước mắt: “Nhờ tiếng khèn, tiếng hát mà già ni cưới được vợ đẹp nhất vùng đó”. Nhớ lại ký ức hào hoa một thời, già Công bồi hồi xúc động.

Đêm nọ, Công đem khèn ra thổi bên dòng sông Lam tràn ngập ánh trăng. Một cô gái nghe tiếng khèn hay quá bèn bơi qua sông để gặp người thổi khèn. Và rồi số phận đã se duyên để họ nên vợ nên chồng. Người con gái ấy chính là Lô Thị Khoành, cũng là một sơn nữ xinh đẹp và có tiếng hát rất hay nên về sau cũng được tuyển vào đội văn nghệ. Vợ chồng Vi Đình Công - Lô Thị Khoành trở thành trụ cột của đội văn nghệ rất ăn ý và hợp nhau trong từng tiếng nhạc, lời ca, từng vai diễn...

Truyền tình yêu qua những điệu khèn

Chiến tranh kết thúc, đội văn nghệ cũng dần giải thể, vợ chồng già Công lại trở về bản Piêng Chắn, gắn bó với nương với rẫy để nuôi các con ăn học. Nhưng, khi cuộc sống hiện đại gõ cửa từng thôn bản, bước vào từng bậu cửa mỗi nếp nhà, cũng là lúc những điệu xuối, lăm, nhuôm của người Thái dần dần bị lãng quên. Điều đáng lo ngại là nhiều bản làng đã không còn có nổi một cây khèn bè, nếu có thì cũng rất ít người biết thổi, biết múa.

Trước những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng mai một, già Công buồn lắm. Bao đêm già nằm thao thức, âm thầm nghe tiếng khèn bè vang vọng trong tim mà rơi nước mắt. Chẳng lẽ mai này tiếng khèn, tiếng sáo nơi vùng cao này sẽ im bặt, không còn ngân nga, dìu dặt như trước nữa? Nghĩ mình cần phải làm một điều gì đó, già Công âm thầm đi tìm gỗ, tìm trúc làm khèn. Bàn chân già đã đi qua không biết bao nhiêu ngọn núi, dòng khe để tìm cây gỗ kim giao và trúc già vàng óng để làm khèn.

Làm xong, già lại đem tặng mọi người và hướng dẫn họ cách múa khèn, thổi khèn. Ban đầu, cũng chẳng có ai muốn học, thậm chí ông cho khèn bọn trai bản cũng không thèm lấy. Nhưng ông vẫn kiên trì thuyết phục, đi từng nhà để tuyên truyền về giá trị của điệu khèn, điệu xuối. Và rồi chính tiếng khèn của ông đã “mê hoặc” được lũ trẻ, kéo được đám thanh niên trai gái hằng đêm tụ tập ở nhà ông.

Ông dạy các chàng trai những điệu khèn, điệu kèn môi, điệu sáo và cách chế tác các loại nhạc cụ. Còn vợ ông thì miệt mài dạy cho các sơn nữ những làn điệu dân ca Thái, điệu khắp, lăm, xuối... Thấy lũ trẻ thích thú, vợ chồng ông mừng lắm.

Già Vi Đình Công cho biết: Để làm được một cây khèn cũng phải lắm công phu. Gỗ kim giao làm đế thân khèn, dây rừng buộc chét phải đi tít trên núi cao hiểm trở mới có. Lấy xong về sơ chế rồi gác trên bếp sấy khô. Trúc cũng phải chọn trúc già vàng óng, giao lóng dùng làm để không bao giờ bị mối mọt, chịu đựng được tất cả mọi thời tiết. Khi khoét gióng phải đưa thân khèn khít, tránh lọt gió thì tiếng khèn mới hay.

Và điều đặc biệt là người làm khèn phải có cái tâm. Chính ông là người đã gửi gắm cả tấm chân tình của mình vào cây gỗ kim giao và trúc vàng thì mới chắp gió thành lời yêu, lời nhớ như vậy. Nhờ những cây khèn của ông, những làn điệu dân ca Thái ngày một nhân rộng ra nhiều làng bản, để rồi vào những đêm trăng thanh hay những ngày lễ hội, tiếng kèn môi lại da diết gọi tình, điệu khèn, điệu xuối lại vang vọng khắp núi rừng.

Trong thời điểm ấy, để giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa ngày một thất truyền và mai một, ngành Văn hóa H. Tương Dương cũng đã mở các lớp chế tác nhạc cụ dân tộc, học nhạc, học hát những làn điệu dân ca Thái. Vợ chồng già Công được đánh giá là “bảo tàng âm nhạc sống” và được ngành Văn hóa mời làm giảng viên.

Tuy tuổi cao nhưng với tình yêu và lòng đam mê những điệu khèn, điệu xuối, vợ chồng già không quản đường xa vẫn trèo đèo lội suối truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với những cống hiến của mình, vợ chồng già Công đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, Huy hiệu Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam và Huy hiệu Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng.

Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND H. Tương Dương, cho biết, từ tấm gương của nghệ nhân Vi Đình Công- Lô Thị Khoành, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có những chính sách để gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Ngô Hương- Hoàng Anh