Tiếng "kêu cứu" từ đáy biển
Biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) như đang "chết" dần bởi sự tác động thô bạo của con người. Những rạn san hô chết hẳn, hoặc đang "ngoi ngóp" dưới đáy biển như thông điệp gửi đến những ai đang vô cảm với môi trường biển.
Rác thải nhựa nhan nhản dưới biển Nha Trang. |
Rác thải nhan nhản dưới đáy biển
Chúng tôi vừa nhận được hàng loạt bức ảnh ghi lại cảnh tượng biển Nha Trang đang bị "đầu độc" bởi rác thải do hướng dẫn viên lặn biển Nguyễn Hà Minh Trị gửi đến. Bên cạnh rác thải nằm dưới đáy biển là nhiều rạn san hô đã chết hoặc khó phục hồi.
Nguyên nhân của thực trạng này, có thể kể đến là các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý; ý thức của người dân kém; đánh bắt thiếu khoa học và sự phát triển rầm rộ của ngành du lịch biển nhưng không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên... Trong đó, việc xả rác thải ra biển là nguyên nhân chính làm ô nhiễm môi trường biển.
Anh Trị cho rằng, biển không cần con người giải cứu nếu con người không xâm hại đến biển. Rác thải của con người đã xâm hại đến biển, làm biển ô nhiễm, san hô chết dần. Điều này kéo theo một lượng thủy và hải sản cũng cạn kiệt do môi trường sống của chúng không còn an toàn. "Những thợ lặn như chúng tôi, mỗi khi nhặt được vài cọng rác, vài bịch ni-lông, vài vỏ chai và lon nước dưới biển Nha Trang cũng chỉ là "nhặt từng hạt bụi trong sa mạc", không thể nào làm sạch hết đáy biển", anh Trị trăn trở.
Khảo sát của chúng tôi tại cảng cá P. Vĩnh Trường (TP Nha Trang) cho thấy, rác thải nhựa nổi khắp nơi trên biển, chủ yếu là thùng xốp, hộp đựng thức ăn, bình nhựa... Một người dân ở đây cho biết, thay vì đưa rác vào bờ, cho vào thùng rác, để công nhân môi trường thu gom thì còn đó cảnh ngư dân "xả thẳng xuống biển". Thực trạng này cũng diễn ra tương tự tại nhiều khu vực ven biển TP Nha Trang.
Cần có giải pháp căn cơ
Ông Huỳnh Bình Thái- Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết Nha Trang còn một số khu vực Cty môi trường đô thị chưa trực tiếp thu gom nên các xã, phường giao các tổ tự quản thu gom. Môi trường biển các khu vực này không đảm bảo thì trách nhiệm là của chính quyền sở tại. "Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền sở tại tuyên truyền cho ngư dân trong công tác bảo vệ môi trường vì rác thải nhựa tiêu hủy rất lâu và thường nổi khi xả xuống vịnh Nha Trang. Hình ảnh này đập vào mắt du khách khi đến du lịch tại Nha Trang. Vì vậy, BQL vịnh Nha Trang thường xuyên kiểm tra việc này tại các khu du lịch và tour tuyến vận chuyển khách trên vịnh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm tập kết rác đúng nơi quy định, hợp đồng thu gom rác với Cty Môi trường đô thị", ông Thái nói.
Đối với các tàu du lịch, đội vệ sinh môi trường của BQL vịnh Nha Trang và đoàn thanh niên các xã, phường ven biển tổ chức tour cùng đi với du khách, để vớt rác, nhằm nâng cao ý thức của du khách đối với môi trường biển Nha Trang. Vừa qua, BQL vịnh Nha Trang đã phát vợt cho các tàu du lịch để khi có rác, họ và du khách cùng vớt rác đưa vào bờ.
Trên vịnh Nha Trang, một nguồn rác thải nhựa khác là các bè nổi đón khách tự phát, không đảm bảo an toàn. Khi lên bè ăn uống, du khách vô tư xả rác thải xuống biển. Cách đây 2 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương chấm dứt hoạt động bè nổi phục vụ khách du lịch ăn uống trên vịnh biển. Thế nhưng, chủ trương này dường như không đủ để ngăn cản các nhà hàng nổi mọc lên. Hướng dẫn viên, thợ lặn Nguyễn Hà Minh Trị kêu gọi: "Chúng tôi tha thiết kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ biển bằng những hành động thiết thực. Ngừng ngay việc xả rác thải xuống sông, biển, hồ... Hãy quan tâm hơn về việc dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường".
Anh Trị cho rằng, chúng ta thấy nhưng nếu ai cũng im lặng và chịu đựng thì cuộc sống này vô nghĩa lắm.
Mộc Ca