Tiếng loa Khuê Mỹ
(Cadn.com.vn) - Chỉ trong một thời gian ngắn ra đời, mô hình “Tiếng loa phòng chống tội phạm” P. Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã phát huy tác dụng, được đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, tình hình ANTT địa bàn luôn được đảm bảo, tình trạng trộm cắp, cướp giật giảm đáng kể.
Phường Khuê Mỹ có 2.845 hộ, với gần 11.400 nhân khẩu, đại đa số sống bằng nghề lao động phổ thông và dịch vụ nhỏ lẻ. Trên địa bàn thường xuất hiện nhiều tụ điểm phức tạp về TTXH. Đáng chú ý là tình trạng đánh bạc, trộm cắp tài sản, gây rối TTCC... Trước tình hình đó, ngoài việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình: “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Đội dân phòng cơ động nữ”, tháng 10-2012, CAP Khuê Mỹ đề xuất, tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cho ra đời “Tiếng loa phòng chống tội phạm” để tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, TNXH kết hợp với tuyên truyền phòng chống nạn bạo hành trong nhân dân cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân nắm, hiểu và làm tốt công tác phòng ngừa...
Với những chiếc loa thông thường, vào 7 giờ 30 đến 11 giờ, 13 giờ 30 đến 16 giờ, 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày, tổ bảo vệ dân phố đi dọc các tuyến đường, khu dân cư nắm tình hình cộng với việc phát thanh trên loa về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và địa phương, công tác PCTP... Chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng loa đã đi vào lòng dân, giúp nhân dân nâng cao hiệu quả công tác PCTP, TNXH trong tình hình mới.
Nhờ tiếng loa phòng chống tội phạm này mà tình hình tội phạm trên địa bàn |
Nhờ có tiếng loa phòng chống tội phạm, tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm của người dân P. Khuê Mỹ đã được nâng cao rõ rệt, các vụ mất trộm tài sản, cờ bạc, đánh nhau, buôn bán ma túy... từng bước được đẩy lùi. Nhiều gia đình đi làm về quên khóa cổng, nghe tiếng loa thông báo liền chạy ra kiểm tra... Đặc biệt, tinh thần tố giác tội phạm của người dân được nâng lên rõ rệt. Điển hình mới đây, CAP liên tiếp nhận được thông tin của quần chúng nhân dân về việc quán hớt tóc Nghệ Thuật (lô số 79- Lê Văn Hiến, P. Khuê Mỹ) có dấu hiệu hoạt động mại dâm.
Tiếp nhận thông tin, lãnh đạo CAP đã tiến hành triển khai lực lượng tổ chức mật phục và bắt quả tang Nguyễn Thị Thanh Th. (1991, trú H. Hòa Vang, Đà Nẵng), Lê Hằng N. (1990, trú H. Thăng Bình, Quảng Nam) đang có hành vi kích dục cho ông Trần Văn Q. (1968, trú Q. Hải Châu) và ông Huỳnh Ngọc Ng. (1978, trú Q. Ngũ Hành Sơn). Trước đó, 15 giờ 25 ngày 24-1, CAP Khuê Mỹ nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại khu vực đoạn đường Nguyễn Bá Thuận (tổ 5, P. Khuê Mỹ) có một nhóm học sinh trên tay cầm nhiều dao, kiếm, gậy với biểu hiện tụ tập gây rối đánh nhau nên nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Khi thấy lực lượng CA xuất hiện, nhóm thanh niên này đã lên xe bỏ chạy về nhiều hướng. Đến 3 giờ ngày 25-1, sau khi có đủ chứng cứ, lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành mời các đối tượng: Đoàn Hữu C. (1992), Trần Thiện T. (1995), Đinh Trọng H. (1994), Trần Bảo Thanh T. (1996), Bùi Văn T. (1996, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) và Hoàng Quốc T. (1994, trú P. Hòa Hải, đều là học sinh) về trụ sở làm việc. Đồng thời, tiến hành thu giữ 1 mã tấu, 2 dao dài bản gỗ, là số hung khí mà nhóm học sinh này mang đi tìm đối thủ để trả thù. Ngoài ra, từ thông tin quần chúng nhân dân cung cấp thông qua đường dây nóng, CAP Khuê Mỹ đã phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng giả danh nhân viên điện lực đến từng hộ dân trên địa bàn gõ cửa để gạ gẫm bán dây điện kém chất lượng với giá cắt cổ, cũng như bắt quả tang nhiều đối tượng tổ chức đánh bài ăn tiền tại khu dân cư, quán cà-phê...
Trung tá Lê Văn Mai, Trưởng CAP Khuê Mỹ cho biết: Mô hình “Tiếng loa phòng chống tội phạm” P. Khuê Mỹ đang thực sự phát huy hiệu quả, tạo nên phong trào rộng khắp trong đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm ANTT, ATXH, vì cuộc sống bình yên của mỗi gia đình. Tiếng loa nhắc nhở mọi người đề cao cảnh giác, tránh tạo cơ hội cho kẻ gian hoạt động, trộm cắp và tạo điều kiện để người dân cùng phối hợp với lực lượng CA chống lại các loại tội phạm, giữ gìn ANTT. Theo thống kê, từ khi triển khai mô hình “Tiếng loa phòng chống tội phạm”, đã hạn chế đến hơn 70% số vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn.
T. Dũng