Tiếng mõ Liễu Thạnh
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi về tổ 7, thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên (H. Thăng Bình, Quảng Nam)- địa phương luôn đi đầu trong đấu tranh phòng chống tội phạm (PCTP) của xã để tìm hiểu rõ hơn về mô hình “Tiếng mõ an ninh”. Đến đây, đi đâu cũng nghe thấy người dân cười nói rôm rả với nhau về tiếng mõ tre. Có người bảo: “Sao lâu ni không thấy gia đình nào gõ mõ tre hỉ?”. Người khác lại nói: “Suốt 3 năm ni tối nào tôi cũng ngủ ngon lành, không còn thấp thỏm lo sợ trộm cắp như lúc trước nữa”... Hỏi ra mới biết, trước đây, trên địa bàn xã Bình Nguyên thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp và cũng không hiếm tình trạng nhiều thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe phân khối lớn, nẹt pô gầm rú trong đêm gây nhiều nỗi bất bình trong nhân dân. Nhưng từ khi có mô hình “tiếng mõ an ninh” thì tình trạng trên không còn xảy ra nữa.
Trước đó, được sự tham mưu của công an xã, người dân đã lấy mõ tre để triệu tập quần chúng cùng tham gia bắt trộm, góp phần giữ bình yên thôn xóm và nhanh chóng được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Ông Lê Văn Tâm- Tổ trưởng tổ số 7, thôn Liễu Thạnh hồ hởi cho biết: “Từ khi tiếng mõ tre ra đời hễ có tên trộm nào lọt vào địa bàn tổ 7 là coi như hết đường chạy thoát. Bởi, người dân có tinh thần đấu tranh PCTP rất cao, chỉ cần tiếng mõ tre vang lên thì có đến hàng trăm người cùng trực tiếp tham gia bắt trộm, cướp”.
Lúc mô hình tiếng mõ tre mới ra đời, trước khi bắt trộm cướp, địa phương đã tập trung lực lượng công an, dân phòng kết hợp với quần chúng diễn tập hiệu lệnh của tiếng mõ và đưa ra tình huống giả định để thực tập suốt một thời gian dài. Nhưng để mô hình “Tiếng mõ an ninh” hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có sự thống nhất trong hành động, có sự phân công phân nhiệm rõ ràng trong quần chúng mỗi khi có vụ việc xảy ra. Do vậy, quy chế hoạt động của mô hình được xây dựng. Theo đó, mỗi gia đình trong khu dân cư tự trang bị một cái mõ tre, gậy, dây và đèn pin. Mõ được treo ở nơi thuận tiện nhất để dễ bề sử dụng khi có “biến” xảy ra. Bà con trong xóm giao ước, khi có gia đình gõ mõ báo động thì tiếng mõ của các gia đình khác trong khu dân cư cũng vang lên, càng lúc càng dồn dập liên hồi. Sau đó, tổ tự quản nhanh chóng cử người chốt chặn ở cổng ra vào khu dân cư không cho đối tượng tẩu thoát ra ngoài, những người còn lại tương trợ lẫn nhau để truy bắt tội phạm; đồng thời cắt cử người điện báo cho cơ quan chức năng. Không gian yên tĩnh đêm khuya phút chốc lại trở nên ồn ào bởi tiếng người nói í ới, trên tay nào là dây, gậy gộc; số khác lại rọi đèn pin lùng sục khắp nơi để bắt trộm. Sau khi xử lý xong vụ việc, Tổ trưởng tổ tự quản có trách nhiệm đánh mõ 3 hồi dài để tập hợp bà con lại để đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm.
Từ đó, để phong trào ngày càng sâu rộng, hằng quý các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức các buổi hội họp để quán triệt tư tưởng, phổ biến tình hình ANTT tại địa phương. “Điều quan trọng là phải biết “hâm nóng” tinh thần PCTP của người dân; để họ luôn sẵn sàng tâm thế mỗi khi có “biến” xảy ra. Do vậy, mô hình “tiếng mõ an ninh” luôn được chúng tôi lồng ghép vào nội dung trong tất cả các cuộc họp ở địa phương; kết hợp với việc phổ biến tình hình ANTT trên địa bàn”, ông Tâm cho biết thêm. Đến nay, trên địa bàn H. Thăng Bình có 76 mô hình “tiếng mõ an ninh” được thành lập và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật nhất ở hai xã Bình Dương và Bình Nguyên.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình “Tiếng mõ an ninh” trong việc đấu tranh PCTP, Trưởng Công an xã Bình Nguyên Đặng Ngọc Hải cho biết: “Nhờ tiếng mõ để triệu tập quần chúng bắt trộm, bắt cướp tình hình ANTT tại địa phương được đảm bảo, người dân ngày càng gắn kết trong công việc chung của cộng đồng. Đây không chỉ đơn thuần là mô hình giữ gìn ANTT thôn xóm mà trên hết là đã huy động kịp thời sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh PCTP. Thời gian tới, để mô hình “tiếng mõ an ninh” hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ nhân rộng và lồng ghép chung với nhiều mô hình khác nữa như “Tái hòa nhập cộng đồng dành cho các đối tượng có tiền án, tiền sự”...
Nguyễn Hữu Đức