Tiếp cận tâm điểm vùng lũ dữ Quan Sơn - Mường Lát
Khoảng 22 giờ ngày 2- 8, bão Wipha, cơn bão thứ ba ở biển Đông đã đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Ninh gây gió mạnh, mưa to, mất điện diện rộng. Dù bão Wipha không trực tiếp đổ bộ, song tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề về người và tài sản; trong đó 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát đã xảy ra trận lũ quét lịch sử khiến nhiều nhà dân bị cuốn trôi và 2 người chết, 12 người mất tích.
Nhóm phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có mặt tại tâm điểm vùng thiên tai do bão số 3 gây ra tại Quan Sơn và Mường Lát, trong lúc tình hình nơi đây vẫn cực kỳ nguy hiểm.
Tan hoang bản Sa Ná sau trận lũ quét kinh hoàng. |
* Khả năng sẽ xuất hiện 1 hoặc 2 áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên biển Đông Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 10 đến 30-8 có khả năng xuất hiện ít nhất 1 hoặc 2 cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên biển Đông. Trên đất liền có 3-4 đợt mưa lớn diện rộng tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Theo ông Năng, hiện tại đang trong thời kỳ mưa bão (trước đó đã liên tục xuất hiện mưa lớn, mưa lũ cục bộ), điều này đã làm nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tăng lên và đặc biệt tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên.
Riêng tỉnh Thanh Hóa trong hai ngày (5 và 6-8) , khu vực phía Tây (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa) sẽ tiếp tục có mưa lớn nên người dân phải hết sức cảnh giác, đặc biệt là nguy cơ về lũ quét và sạt lở đất (ngày 4-8 có mưa to, ngày 5-8 mưa vừa, ngày 6 và 8-8 có mưa), sau đó đợt mưa diện rộng này sẽ chấm dứt. Các khu vực chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lớn trên diện rộng cần liên tục theo dõi bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chức năng. Người dân cần nâng cao ý thức chủ động trong việc phòng tránh thiên tai, nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, ngầm tràn, đi lại tại các khu vực cấm đã có biển cảnh báo. BIÊN THÙY |
Giây phút kinh hoàng
Sáng ngày 4- 8, nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn, những nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi vẫn chưa hết bàng hoàng và không tin mình vẫn còn sống sót. Ông Lương Văn Chon (1967, ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, H.Quan Sơn) kể lại: Lúc đó khoảng 5 giờ ngày 3- 8, tôi thấy trời mưa to, nước sông Luồng lên nhanh sẽ gây ra ngập lụt nên vội chuyển đồ đạc từ nhà cũ sang ngôi nhà sàn cách đó khoảng vài trăm mét để cất. Đến gần 7 giờ, khi tôi, mẹ, và vợ con đang ngồi trong nhà thì nghe ầm ầm bên ngoài. Thấy lũ về, cả nhà thi nhau tháo chạy lên khu nghĩa trang trên rừng tránh nạn.
“Khi cả nhà an toàn, tôi đi sau cùng thì bị nước lũ cuốn phăng cùng các cây cối. Tôi cố gắng vùng vẫy trong nước lũ, khua tay bấu víu các thân cây ở giữa dòng. Lúc này tôi xác định chỉ có chết vì nước lũ to quá. May thay, tôi kịp bấu víu vào một cây nhỏ đang trụ vững giữa dòng nước xiết. Đúng là chết trôi vớ được cọc, tôi leo lên ngọn cây ngồi. Phía dưới là nước lũ cuồn cuộn chảy”, ông Chon kể.
Cũng theo ông Chon, bám trụ đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày người dân phát hiện được ông đang mắc kẹt. Sau nhiều giờ nỗ lực, ông Lương Văn Chon đã được anh Phạm Bá Huy (1993, ở bản Nhài, xã Sơn Điện, H.Quan Sơn) dũng cảm dùng dây vượt lũ để tiếp cận và đưa vào bờ an toàn. Trong quá trình giải cứu ông Chon thì dây cáp bị đứt nên anh Phạm Bá Huy lại bị mắc kẹt tại vị trí mà ông Chon mắc kẹt trước đó. Được sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ cứu nạn, anh Huy sau đó đã được đưa vào bờ an toàn.
Ông Lương Văn Chon bị mắc kẹt giữa lũ và được cứu sống, đang điều trị tại bệnh viện. |
Được biết, toàn bộ 2 ngôi nhà của ông Chon cùng các tài sản khác như xe máy, ti vi, tủ lạnh, và các vật dụng khác đã bị nước lũ cuốn trôi. “Từ nhỏ tới giờ tôi chưa bao giờ thấy trận lũ nào lớn như vậy. Nước sông dâng cao, cuồn cuộn chảy và cuốn theo cơ man nào là cây cối”- ông Chon cho hay.
Ở giường bên, anh Hoàng Xuân Luyến (1974, cũng ở bản Sa Ná) không kìm nén được nỗi đau, nhớ lại: Thời điểm xảy ra sự việc, tôi đưa vợ và 2 đứa con sang nhà anh trai tá túc. Đến lúc quay về nhà tìm lấy bếp ga thì bất ngờ bị nước cuốn trôi cả nhà lẫn người. “Bị cuốn bất ngờ, mặt mũi tối sầm lại. Trong cơn nguy kịch tôi cố gắng bám vào khúc luồng để khỏi bị chìm. Quá trình bị dòng nước đẩy đi, tôi đã may mắn bám được một cành tre, sau đó men theo rồi bò lên bờ. Thoát chết, nhưng sức lực không còn, tôi nằm liệt bên mép sông đến khoảng 10 giờ thì có người tìm thấy và đưa tôi vào trạm xá”- anh Luyến nói.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hưng- Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa H. Quan Sơn cho biết: Hai bệnh nhân Luyến và Chon nhập viện vào ngày 3- 8 với tình trạng đa chấn thương toàn thân bị xây xước, sức khỏe ổn định, ăn uống bình thường. Chỉ có bệnh nhân Chon do ngâm nước nhiều nên bị sốt, cảm lạnh. Hiện cả 2 bệnh nhân đang được chăm sóc và theo dõi sức khỏe.
Hàng chục người đang mất tích
Cũng tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, H.Quan Sơn, không may mắn được như ông Chon, anh Luyến và 3 người dân khác được giải cứu trong lũ dữ, đến chiều ngày 4- 8 vẫn còn 12 người chưa rõ tung tích.
Ông Phạm Văn Tiệu- Chủ tịch xã Na Mèo cho biết, cách đường ô-tô 3km, bản Sa Ná bị ngăn cách bởi sông Luồng. Sau trận lũ quét vào lúc 5 giờ sáng ngày 3-8, đường sá bị phá hủy, việc di chuyển khó khăn. Bản Sa Ná nằm ven con suối Son, có 74 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Thái. Lũ quét đã xóa sổ 20 căn nhà, 17 người bị lũ cuốn trôi. Hiện 7 người đã được tìm thấy, vẫn còn đó 10 người chưa rõ tung tích gồm: Hà Văn Quỳnh; Hà Thị Thăm; Ngân Văn Kiêm; Vị Thị Ọi; Hà Văn Tiêu; Hà Văn Chấn; Hà Thị Vứng; Vi Thị Thúy; Hoàng Thị Yến; Lò Thị Quạm. Ngoài 10 người ở bản Sa Ná, xã Na Mèo mất tích còn có 2 người khác ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, H.Quan Sơn mất tích cũng chưa xác định được danh tính.
Một căn nhà ở bản Sa Ná bị lũ quét đánh sập. |
Còn tại H.Mường Lát cũng đã xác định được 2 người chết, 1 người mất tích. Theo đó, 8 giờ sáng ngày 4- 8, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy thi thể đồng chí Thao Văn Súa (1986, xã Pá Hộc, xã Nhi Sơn, H.Mường Lát) bị đất đá vùi lấp tại khu vực trường tiểu học xã Nhi Sơn.
Trước đó, khoảng 1 giờ sáng ngày 1- 8, một nhóm người ở bản Sài Khao, xã Mường Lý, H.Mường Lát trên đường đi kéo gỗ dựng nhà về thì bất ngờ gặp sạt lở đất, đá. Trong đoàn lúc này có anh Vàng A Lâu (1986, là trưởng bản Sài Khao) tử vong do bị đất đá đè trúng. Người mất tích được xác định là ông Bùi Đình Hoạt (1961, trú bản Na Tao, xã Pù Nhi, H.Mường Lát). Theo đó, sáng ngày 3- 8, khi nước lũ về, ông Hoạt và vợ là bà Quách Thị Xoăn lùa đàn lợn lên núi thì bị nước lũ cuốn trôi. Bà Xoăn may mắn ôm được bụi chuối ven rừng nên đã được lực lượng chức năng phối hợp giải cứu; còn ông Hoạt bị nước lũ cuốn trôi hiện vẫn đang mất tích.
Cũng trong ngày 4- 8, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 500 CBCS lực lượng vũ trang cùng với lực lượng các ban, ngành, đoàn thể địa phương và người dân chia thành nhiều đoàn phối hợp tìm kiếm dọc 2 bên sông Luồng thuộc các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn và xã Na Mèo, H.Quan Sơn để tìm kiếm những người mất tích. Theo đó, các đoàn được chia làm nhiều nhánh, tổ nhỏ để tìm kiếm. Trên địa bàn H.Quan Sơn hiện nay nước sông chảy xiết, địa hình nhiều nơi bị chia cắt do mưa lũ nên việc tìm kiếm những người bị mất tích vẫn chưa có kết quả.
Khẩn trương ứng cứu
Trước thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại H.Quan Sơn, H.Mường Lát, đại diện Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại những nơi xảy ra lũ quét để kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Theo đó, sáng ngày 4- 8, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn tại xã Na Mèo và Mường Mìn. Đến kiểm tra thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã tới chia sẻ, hỗ trợ với gia đình anh Lò Văn Tới (trú bản Bo) bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà, tài sản xuống sông Luồng. Các gia đình gặp nạn khác cũng được Chủ tịch UBND tỉnh động viên, thăm hỏi và chia sẻ sớm vượt qua mất mát để từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Trong công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng vũ trang thành lập các tổ công tác, bao gồm, Công an, Quân đội, Biên phòng, Y tế và người địa phương vượt sông Luồng mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho các bản bị chia cắt, cô lập. Đồng chí lưu ý, các tổ công tác khi vượt rừng tiếp cận các bản bị cô lập, nếu gặp mưa to phải ra khỏi khu vực suối tránh lũ ống, lũ quét. Các lực lượng Quân đội, Biên phòng, H.Quan Sơn tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân dọc hai bên bờ sông Luồng. Sở GTVT khẩn trương bố trí phương tiện khắc phục sạt lở trên tuyến QL217, QL16 để bảo đảm giao thông thông suốt.
Đã tiếp cận được bản Sa Ná Lực lượng chức năng vượt sông mang nhu yếu phẩm vào với đồng bào bản Sa Ná. Sau nhiều cố gắng, đến trưa ngày 4-8, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiếp cận được bản Sa Ná xã Na Mèo, H. Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và tiếp tế lương thực cho người dân trong bản. Gạo, mì tôm, nước Sở Thông tin và Truyền thôngạch đã được chuyển vào bản Sa Ná giúp bà con không bị đói, khát. Ông Phạm Văn Tìm, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết: Bản có 75 hộ với trên 300 người. Trong bản có 5 người bị thương đang được các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa H. Quan Sơn chữa trị, chăm sóc. Trong đó em Nguyễn Minh Lâm (2004), bị đa chấn thương đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Thanh Hóa đã ung ca nô vượt 3 km ung Luồng đưa ra ngoài để điều trị. Sáng cùng ngày lực lượng viễn thông Viettel cũng đã nối lại được liên lạc với bản Sa Ná giúp công tác tìm kiếm cứu nạn gặp thuận lợi hơn. Ngoài ra lực lượng chức năng cũng đã tiếp cận được bản Son và bản Ché Lầu của xã Na Mèo để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tiếp tế lương thực. P.V |
Trước đó, ngay sau khi xảy ra trận lũ ống khiến hàng chục người hiện đang mất liên lạc và nhiều bản bị cô lập, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp lực lượng CAH, quân đội, biên phòng, chính quyền và nhân dân địa phương sử dụng ca nô, xuồng máy và các phương tiện, thiết bị, vật tư xuống các địa bàn bị ngập lụt, phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và giúp dân sơ tán, di dời tài sản từ khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng, bố trí các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn giao thông tại các điểm xung yếu để cảnh báo và hỗ trợ người dân tránh xa khu vực nguy hiểm.
Mưa lũ khiến H.Mường Lát xảy ra 13 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông tại các xã Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn và 1 điểm tại xã Tén Tằn. QL15C, tuyến đường huyết mạch lên thị trấn Mường Lát xảy ra nhiều điểm sạt lở, gây chia cắt giao thông. Nặng nhất tại trụ sở UBND xã Trung Lý; khu vực cổng Trời thuộc bản Khằm 1; khu vực gần trụ sở UBND xã Nhi Sơn; một số điểm nằm dọc QL15C thuộc địa bàn xã Pù Nhi và một số điểm ở bản vùng thấp ven sông Mã của xã Tam Chung.
Ông Phạm Văn Sơn, Chánh văn phòng UBND H.Mường Lát cho biết: UBND huyện đã huy động tối đa máy móc, phương tiện tới các điểm sạt lở, khẩn trương giải tỏa khối lượng lớn đất đá, bùn đất sạt lở trên QL15C, QL16, đường tỉnh lộ 521D. Điểm sạt lở nặng nhất hiện nay là tại QL15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn vẫn chưa thể thông xe do khối lượng đất đá, bùn đất từ phần ta luy dương trôi xuống rất lớn.
Nhóm P.V