Tiếp cận và tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử xuyên quốc gia

Thứ hai, 03/07/2023 09:28
Sự bùng nổ về công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi, phát triển nhanh chóng nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó, có lĩnh vực thương mại với sự ra đời thêm kênh thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đa quốc gia, không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn đưa sản phẩm Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, các doanh nghiệp Đà Nẵng cần tham gia thương mại điện tử xuyên quốc gia để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, các doanh nghiệp Đà Nẵng cần tham gia thương mại điện tử xuyên quốc gia để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa tiếp cận cũng như chưa tận dụng được các cơ hội kinh doanh từ kênh thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ kênh truyền thống thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại từ việc tham gia trực tiếp các hội chợ quốc tế hoặc các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp ở nước ngoài.

Bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc kinh doanh Công ty Bánh ngọt Mỹ Phương Food, chia sẻ rằng, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có điều kiện, tiềm lực để đầu tư về công nghệ, về nhân lực kỹ thuật cao, nhất là chưa có kinh nghiệm khi tham gia vào thương mại điện tử nói chung, các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia nói riêng là những nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được cũng như chưa tận dụng được các cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, theo đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Đà Nẵng, các thủ tục khi tham gia bán hàng, xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử quá phức tạp; các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, nhất là các vấn đề tranh chấp, kiện tụng ra tòa án thương mại quốc tế, v.v… khi có sự cố xảy ra cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp còn thận trọng trong việc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia như: Amazon, Alibaba, Lazada, Shopee, v.v…

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và sớm tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, đưa các sản phẩm thương hiệu Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ngày 30-6 vừa qua, tại TP Đà Nẵng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng, Công ty Amazon Global Selling đã tổ chức chương trình đào tạo giải pháp xúc tiến xuất khẩu thông qua Amazon với chủ đề "Cách thức chinh phục những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon".

Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, chương trình này nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Đà Nẵng và một số địa phương Miền Trung - Tây Nguyên nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia nói chung, sàn thương mại điện tử Amazon nói riêng. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng thì thương mại điện tử nói chung, các sàn thương mại điện tử nói riêng là công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, đưa sản phẩm Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và tiêu thụ ở khắp nơi trên thế giới. Để minh chứng điều này, ông Nguyễn Văn Thành đưa ra số liệu về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trên kênh thương mại điện tử nói chung, các sàn thương mại xuyên quốc gia nói riêng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Đơn cử, như trên sàn thương mại điện tử Amazon, năm 2022, tăng trưởng của các sản phẩm Việt Nam bán trên sàn này khoảng 30% với 10 triệu sản phẩm được bán. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan đã và đang quan tâm đúng mức đến thương mại điện tử xuyên quốc gia thông qua các chính sách giúp nhà cung cấp, doanh nghiệp bán hàng tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Amazon Global Selling vào năm 2022 để thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia nói chung, sàn thương mại điện tử Amazon nói riêng một cách hiệu quả, thiết thực.

Đặc biệt tại chương trình này, các chuyên gia đến từ Công ty Amazon Global Selling đã giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia; kỹ năng xây dựng định hướng kinh doanh, danh mục kinh doanh thương mại điện tử; kỹ năng nghiên cứu thị trường thương mại điện tử; kỹ năng xây dựng thương hiệu toàn cầu; kỹ năng marketing trong thương mại điện tử xuyên quốc gia; các cách thức xây dựng, bảo vệ thương hiệu toàn cầu…; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi và giải đáp đến các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử xuyên quốc gia.

PHÚ NAM