Tiếp sức đồng bào "hồi hương"
Những ngày qua, khi các tỉnh thành phía Nam nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dòng người về các tỉnh miền Trung và phía bắc tránh dịch lại bắt đầu hành trình truân chuyên. Đặt chân đến địa phận Đà Nẵng, đoàn người được lực lượng Công an với các tình nguyện viên tích cực hỗ trợ, tiếp sức, hộ tống di chuyển an toàn, thuận lợi dọc đường thiên lý.
Công an TP Đà Nẵng bố trí ô-tô chở đoàn người di chuyển qua địa phận Đà Nẵng.
Đường về gian nan
Dự báo người dân tiếp tục di chuyển về quê tránh dịch sau thời gian dài trụ lại TPHCM và các tỉnh phía nam, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), các phòng ban nghiệp vụ, Công an các địa phương tận tình hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Trước đó, từ giữa tháng 7, lần đầu "làn sóng" người dân kéo nhau về quê qua địa bàn Đà Nẵng nổi lên, lực lượng Công an TP cũng đã tích cực tiếp sức. Trung tá Phạm Hồng Hải- Trạm trưởng CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT Công an TP) cho hay, dòng người chia thành từng tốp di chuyển đến địa phận giáp ranh Quảng Nam- Đà Nẵng, lực lượng chức năng phía Quảng Nam sẽ bàn giao cho Công an TP Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ, dẫn đường di chuyển từ quốc lộ (nam Đà Nẵng) hướng về địa bàn Q. Liên Chiểu sau đó ra Huế.
Những ngày qua, mặc dù đêm khuya, thời tiết có mưa nhưng lực lượng Công an vẫn túc trực đợi đoàn người di chuyển đến để hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao chất. Từ 23 giờ ngày 3 đến sáng ngày 4-10, lực lượng CSGT Công an TP đã tiếp nhận 4 đoàn người và phương tiện đi qua khu vực chốt kiểm soát Hòa Nhơn, H. Hòa Vang. Hàng chục CSGT đi kèm đưa đoàn người lên đến đỉnh đèo Hải Vân, tiếp giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ đây, lực lượng chức năng tỉnh bạn tiếp nhận hướng dẫn bà con tiếp tục hành trình về quê.
Anh Huỳnh Văn Tài (quê Nghệ An) cùng vợ và con gái 6 tuổi đèo nhau trên chiếc xe máy đã cũ vượt chặng đường dài từ Bình Dương về đến địa phận Đà Nẵng không giấu được vẻ mệt mỏi. Theo anh Tài, vợ chồng anh dẫn con vào Bình Dương làm ăn nhiều năm nay. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình đã cố gắng nhưng đến nay thì không trụ nổi nữa nên đành đèo nhau về quê. Lúc về, vợ chồng anh chỉ còn đúng vài trăm nghìn đồng trong túi.
Không riêng anh Tài, dòng người nối đuôi nhau "hồi hương" cũng có hoàn cảnh giống anh. Họ có nhiều quê hương khác nhau, người ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, người tận Hà Giang, Lào Cai… Tuy nhiên, ở họ có điểm chung là mất việc làm do dịch bệnh, không bám trụ nổi nên quyết định khăn gói về quê.
Các thành viên nhóm SOS Đà Nẵng "cứu hộ" xe máy cho người dân.
"Cảm ơn các chú Công an"
Cùng với việc hỗ trợ hàng ngàn xe máy, đêm ngày 4 rạng sáng 5-10, hàng trăm người dân đi bộ di chuyển từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM … trở về quê nhà đã được Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ. Trước đó, nắm thông tin, Phòng CSGT đã đề xuất Giám đốc Công an TP hỗ trợ ô-tô để đón đoàn từ lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam, sau đó vận chuyển người dân qua TP tiếp tục giao cho lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế hỗ trợ.
Đại tá Phan Ngọc Truyền- Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, với 18 ô-tô 45 chỗ ngồi Công an TP hỗ trợ, lãnh đạo Phòng đã chỉ đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn phối hợp Trạm cửa ô Hòa Hiệp và Công an các địa phương tiến hành vận chuyển người dân ra Huế. "Quá trình vận chuyển, lực lượng Công an yêu cầu người dân tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang, ngồi trên xe đúng giãn cách. Ngoài ra, lực lượng Công an cũng hỗ trợ thức ăn nhanh, nước uống và sữa cho người dân, bởi trong đoàn có rất nhiều cháu nhỏ và người cao tuổi", Đại tá Truyền nói.
Theo Trung tá Phạm Hồng Hải, tổng cộng trong đoàn có hơn 350 người. Quá trình di chuyển qua Đà Nẵng, nhằm đảm bảo phòng chống dịch, bà con được hướng dẫn chia đều trên 18 xe. "Để hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ này, các lực lượng đã chia tổ công tác, vào cuộc chờ đón đoàn với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Do chặng đường di chuyển dài ngày, bà con rất mệt mỏi, đuối sức, nên nhiều người phải tạm chợp mắt ven đường chốc lát trong lúc chờ bàn giao cho các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp nhận, tiếp sức cho đoàn", Trung tá Hải nói.
Nhận được tình cảm từ lực lượng Công an, anh Nguyễn Thành Phú (quê Hà Tĩnh) bộc bạch: "Lực lượng Công các tỉnh thành nói chung, Công an TP Đà Nẵng nói riêng rất chu đáo, nhiệt tình. Chúng tôi cảm ơn các anh Công an rất nhiều".
"Cứu hộ" xuyên đêm
Cùng với lực lượng Công an dẫn đường, nhiều đoàn tình nguyện viên cũng tham gia tiếp sức thông qua việc hỗ trợ thức ăn, nước uống cùng với đó là "cứu hộ" xe máy cho người dân. Nhiều chiếc xe cũ, vượt chặng đường dài về đến Đà Nẵng thì bị hư hỏng như thủng xăm, đứt phanh, tuột xích… đã được các tình nguyện viên sửa chữa miễn phí.
Tham gia "cứu hộ" xe máy lần này có các thành viên của nhóm SOS Đà Nẵng. Anh Đặng Ngọc Tiến- trưởng nhóm cho hay, ngay khi nắm bắt được thông tin, các tình nguyện viên của nhóm đã tham gia hỗ trợ bà con ngay. "Đây là đợt thứ hai nhóm tham gia vào công việc này. Trước đó, trong tháng 7 nhóm cũng đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp người dân về quê bị sự cố xe máy. "Dịch bệnh khó khăn quá bà con mới phải về quê trong hoàn cảnh như vậy. Việc vượt chặng đường dài cả ngàn cây số bằng xe máy như thế thật không dễ dàng gì. Thông qua các kênh thông tin tôi biết có nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn, túng thiếu vì bị mất việc làm. Mỗi khi nghĩ đến cảnh hai vợ chồng trẻ, đi trên chiếc xe máy cũ kỹ, chở theo hai đứa con nhỏ vượt qua biết bao nắng mưa, bụi gió là tôi không cầm lòng được. Thế nên khi có cơ hội tiếp sức, giúp đỡ họ, các thành viên của nhóm đồng lòng lên đường ngay", anh Tiến bộc bạch.
Thực tế, nhóm SOS Đà Nẵng đã không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng. Nhiều năm qua, kể từ khi thành lập đến nay nhóm đã hỗ trợ sửa chữa miễn phí cho rất nhiều trường hợp bị hư xe giữa đêm trên khắp địa bàn Đà Nẵng. Với kinh nghiệm và kỹ năng vốn có nên việc hỗ trợ sửa xe cho bà con về quê tránh dịch lần này cũng tương đối dễ dàng. Trước khi lên đường, nhóm cũng đã kêu gọi ủng hộ được nhiều ruột xe để tiến hành thay mới cho người dân cũng như tiếp thêm dầu máy, nhiên liệu, gia cố thắng xe, thay đèn… "Để có thể giúp bà con hiệu quả cũng như bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ virus lây lan, mọi người luôn tự trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ đầy đủ. Mỗi khi sửa xong xe cho người dân, dù không tiếp xúc, nói chuyện nhiều vì mọi người đều giữ khoảng cách an toàn nhưng qua ánh mắt, cử chỉ, chúng tôi cảm nhận được sự xúc động cũng như lời cảm ơn chân thành mà người dân muốn nói", anh Tiến thổ lộ.
Phi Nông - Công Hạnh