Tiếp tục phát hiện hàng tấn măng chua, chanh muối hôi thối
(Cadn.com.vn) - TT- HUẾ - Ngày 15-4, Đội CS Môi trường CATP Huế cho biết, đang chờ mẫu kiểm nghiệm măng chua và chanh muối từ Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm Sở Y tế tỉnh để có bước xử lý tiếp theo. Trước đó, ngày 13-4, CATP Huế kiểm tra 2 cơ sở chế biến thực phẩm tại số 4 kiệt 20 và số 512 đường Chi Lăng (P. Phú Hậu, TP. Huế), phát hiện, lập biên bản tạm giữ 14 phi măng chua; 8 bao măng khô mỗi bao 25kg; 10 phi chanh muối, mỗi phi 45kg; 2 bao me chua mỗi bao 25kg không có nguồn gốc, giấy tờ chứng nhận liên quan. Điều đáng nói, trong đó có nhiều phi bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Theo lời khai của chủ cơ sở chế biến, các mặt hàng trên được nhập từ Lao Bảo (Quảng Trị), sau đó qua các công đoạn chế biến rồi bán cho các cơ sở bán buôn.
Cùng ngày, Đại tá Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng CSPCTPMT CA tỉnh TT-Huế cho biết, đã có quyết định xử phạt hành chính 2 cơ sở bán măng ngâm vàng ô (35 triệu đồng/cơ sở). Như Báo đã đưa tin, ngày 5-4, lực lượng CSMT phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT TT-Huế) kiểm tra đột xuất tại chợ đầu mối Phú Hậu (TP.Huế), phát hiện 137 kg măng có màu vàng ươm nghi có ngâm chất vàng ô của 2 cơ sở: Thân Thị Tuyết Mai (trú đường Chi Lăng) và Lê Thị Hồng (trú P.An Tây, TP Huế), đều là tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu.
Số măng chua, chanh muối đang được CA tạm giữ. |
H.L
* Liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có chỉ thị về tăng cường kiểm soát lạm dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất nông lâm thủy sản. Theo đó, chỉ thị này yêu cầu phát hiện sử dụng chất cấm trong thực phẩm có thể xử phạt theo Bộ luật Hình sự.
Thời gian gần đây, người dân hoang mang, lo lắng trước tình trạng lạm dụng hóa chất, màu nhuộm ruốc ở Phú Yên, vàng ô nhuộm măng ở Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An… Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn cơ sở sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không để sử dụng chất vàng ô, các chất tạo màu, nhuộm màu, phụ gia độc hại vào sản xuất thực phẩm. Các trường hợp phát hiện có sử dụng chất cấm vào thực phẩm sẽ xử lý vi phạm hành chính theo nghị định của Chính phủ và truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 190, 191, 317 của Bộ Luật hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực ngày từ 1-7. Các trường hợp bị phát hiện và hình thức xử lý đều được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ thị cũng giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, phối hợp với các ngành công an, y tế, công thương tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn chất cấm, phụ gia độc hại.
P.V