Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh

Thứ hai, 12/05/2025 08:40

Ngày 9-5 vừa qua, tại TP Đà Nẵng, Thời báo Ngân Hàng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 tổ chức Diễn đàn "Kết nối tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh". Tại diễn đàn này, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đặc biệt là tham luận nhiều vấn đề liên quan đến tín dụng xanh. Trong đó, đáng chú ý là tham luận của bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Điện mặt trời và điện gió thuộc lĩnh vực năng lượng xanh được ngành Ngân hàng ưu tiên giải ngân đầu tư.
Bà Hà Thu Giang.

Bà Hà Thu Giang cho biết, chỉ tính đến 31-12-2024, dư nợ tín dụng phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường đạt trên 4,28 triệu tỷ đồng, chiếm 27,4% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực xanh của hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng nhanh cả về số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cho vay, quy mô và tốc độ dư nợ. Từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180 nghìn tỷ, đến 31-12-2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung cho vay chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%); nông nghiệp xanh (trên 29%)…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, hoạt động tín dụng xanh cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là danh mục phân loại xanh quốc gia, hệ thống phân ngành kinh tế xanh với các tiêu chí định tính, định lượng về môi trường chưa được ban hành, làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế, gây khó khăn cho ngành Ngân hàng trong triển khai, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng cho các mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.

Tiếp đến, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án, lĩnh vực xanh còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về lợi ích, tầm quan trọng của thị trường tài chính xanh chưa đồng đều, dẫn đến mức độ quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng tài chính xanh chưa cao, tâm lý e ngại khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới... Ngoài ra, việc đầu tư cho các dự án xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, năng lực thẩm định các yếu tố kỹ thuật môi trường chuyên ngành, do vậy, các TCTD sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh của nền kinh tế, nâng cao năng lực của cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh, tài chính bền vững.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Chính phủ ban hành. Trong đó, tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, ngân hàng xanh; sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng cho các dự án có lợi ích về môi trường, bảo vệ môi trường sau khi Danh mục xanh quốc gia được ban hành; tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức ở trong và ngoài nước để tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các hoạt động về tài chính xanh, ngân hàng xanh, đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng về ngân hàng - tín dụng xanh, biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành Ngân hàng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ ngân hàng, khách hàng về tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Điện mặt trời và điện gió thuộc lĩnh vực năng lượng xanh được ngành Ngân hàng ưu tiên giải ngân đầu tư.

Để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cho tăng trưởng xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực huy động mọi nguồn lực từ các khu vực kinh tế. Cụ thể, Vụ trưởng Hà Thu Giang đề xuất cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển, v.v…) của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh.

Danh mục phân loại xanh quốc gia cần sớm được ban hành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải; xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các TCTD tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế, tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.

PHÚ NAM (thực hiện)

Diễn đàn: “Kết nối tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh”

Chiều 9-5, tại TP Đà Nẵng, Thời báo Ngân Hàng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 tổ chức Diễn đàn “Kết nối tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh”.

Ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký quyết định ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đà Nẵng chạy đua tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính

Đà Nẵng đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao... với quyết tâm sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, tạo động lực phát triển đột phá cho kinh tế thành phố.