Tiếp tục xử lý kiên quyết, dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém

Thứ bảy, 19/03/2016 10:33

(Cadn.com.vn) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) và bảo đảm hoạt động ngân hàng (NH) an toàn, hiệu quả năm 2016.

Theo đó, đối với các đơn vị tại trụ sở chính NHNN tham mưu cho Thống đốc NHNN và chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó tập trung vào các trọng tâm sau đây:

Rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, trong đó tập trung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động điều hành CSTT, cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua, bán nợ, đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả...

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kết hợp với các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay NH, xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2016 khoảng 18 - 20%, gắn với việc thực hiện chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực. 

Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế, ổn định thị trường ngoại tệ; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ, hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, thu hút các dòng vốn nước ngoài và nguồn ngoại tệ trong nước để cải thiện dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế.

Tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại NĐ số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đảm bảo việc quản lý thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ thị trường vàng theo hướng ngày càng thu hẹp thị trường vàng miếng, tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động NH, qua đó kịp thời xử lý các rủi ro, vi phạm quy định về an toàn hoạt động NH và các quy định khác của pháp luật về tiền tệ, NH; đồng thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước và ngành NH.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2020; xử lý kiên quyết, dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các NH thương mại được NHNN mua lại. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nhằm duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

Điều hành linh hoạt lượng tiền mặt trong lưu thông đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đảm bảo yêu cầu dự trữ tiền mặt; nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới trong công tác kho quỹ, đổi mới cơ chế quản lý, cung ứng tiền mặt trong ngành NH; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo phục vụ hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ.

Thực hiện tốt vai trò đại diện của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và đẩy mạnh sự tham gia, tăng cường vị thế, tiếng nói của Việt Nam tại các tổ chức tài chính, tiền tệ, NH khu vực và quốc tế; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của NH Thế Giới, NH Phát Triển Châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế và các đối tác phát triển khác.

Xây dựng chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2025, tầm nhìn 2035; nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển đồng bộ và hài hòa khu vực NH và thị trường vốn, thị trường bảo hiểm Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính ứng dụng cao vào hoạt động của ngành NH, đáp ứng yêu cầu đổi mới về khoa học và công nghệ.

Thực hiện tổng kết, đánh giá việc triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015, xây dựng và triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động thanh toán, các cơ chế chính sách cho các sản phẩm thanh toán mới; đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ qua POS và các dịch vụ thanh toán mới; triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, gắn với tăng cường tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của NHNN gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính năm 2016 của NHNN, chú trọng cải cách, hoàn thiện thể chế, cải cách, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động NH, trọng tâm là triển khai Chính phủ điện tử; đổi mới, hiện đại hóa công tác lập kế hoạch tài chính tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản của NHNN trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới của dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa NH.

Phú Nam