Tiểu đoàn bà Thao- những đôi chân vạn dặm

Thứ tư, 15/07/2009 00:00

Hình ảnh lính bà Thao gùi hàng trong những năm kháng chiến. (ảnh chụp lại ảnh tư liệu). 

Bài 1: Sứ mạng lịch sử

(Cadn.com.vn) - Hơn 40 năm về trước, khi cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc đang bước vào giai đoạn cam go, căng thẳng và ác liệt nhất, trên chiến trường Khu V khói lửa, một đội quân “tóc dài” của miền Trung đã ra đời với cái tên Tiểu đoàn vận tải nữ 232, mà quân dân đất Quảng và Khu V quen gọi với cái tên rất đỗi dung dị: Tiểu đoàn bà Thao...

Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đầu năm 1968, Cục Hậu cần Quân khu V cần có một lực lượng nữ để đảm nhiệm một công tác quan trọng... Và người được Cục Hậu cần Quân Khu V “nhắm” đến đầu tiên là Phạm Thị Thao- Đại đội trưởng của Tiểu đoàn Bắc Hải (Tổng đội TNXP Quảng Đà- Nguyễn Văn Trỗi).

Khi được điều sang nhận lãnh nhiệm vụ làm Tiểu đoàn vận tải nữ 232, cô gái có cái tên đầy nữ tính ấy chỉ mới 18 tuổi đời. Cảm giác đầu tiên khi được tín nhiệm, giao trọng trách làm Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn toàn nữ với hơn 600 người (4 đại đội, 1 tiểu đoàn bộ, 1 trạm xá và 1 đội sản xuất...) thật là khó tả: vừa hồi hộp, âu lo, vừa hạnh phúc, vinh dự. 2 năm gắn bó với lực lượng TNXP đã giúp cho cô gái quê Hòa Hải (Hòa Vang, Đà Nẵng) phần nào có kinh nghiệm trong công tác làm lãnh đạo. Tuy nhiên, trước một đội ngũ CBCS đông hơn 600 nữ chiến sĩ này không phải là chuyện dễ. Ngoài nhiệm vụ gùi hàng, cõng thương binh, mở đường và chống lầy cho ô-tô đi qua như bao chị em khác, bà còn phải lo công tác của một người lãnh đạo, kiểm tra, quán xuyến và làm công tác tư tưởng cho chị em. Trong đó, cái khó nhất vẫn là làm công tác tư tưởng, bởi mỗi người mỗi tính. Để cho chị em nể phục và nghe theo mình, bà cũng gùi cõng hàng nặng từ 70-100kg như bao đồng đội khác.

Bà Phạm Thị Thao bây giờ  

Đã thế, bao giờ bà cũng là người về sau cùng. Là đơn vị vận tải hàng, khiêng cõng thương binh, nên công việc của tiểu đoàn hầu như cơ động. Suốt dọc từ đường 9 Nam Lào và đến Quảng Ngãi, nơi nào cũng in dấu chân và lán trại các chiến sĩ nữ của tiểu đoàn do bà phụ trách. Hình ảnh những cô gái trẻ măng với cái gùi cao hơn đầu, tay luôn chống nạnh (để đi cho dễ), ngực lúc nào cũng ưỡn về phía trước... đã trở thành hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến Tiểu đoàn Bà Thao. Chính vì lúc nào cũng căng ra để cõng hàng, nên phần lớn chị em trong tiểu đoàn của bà ai cũng bị teo ngực. Câu nói: “Lính Bà Thao trước sau như một” là vừa thể hiện tính kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, nhưng còn cũng là vì lý do trên. Với khẩu hiệu “đi có, về có” (đi: gùi hàng đến điểm giao hàng, về: tiếp tục cõng, khiêng thương binh), công việc mà Tiểu đoàn bà Thao phải đảm nhiệm lúc ấy thật nặng nề, không thua kém gì nam giới. Tiểu đoàn của bà còn được giao nhiệm vụ quan trọng, có khi gùi hàng quý về đồng bằng hoặc ra tiền tuyến. Vậy mà, hàng chưa bao giờ bị mất.

Bằng tình thương, sự dịu dàng, biết quan tâm chia sẻ và luôn làm gương, bà đã chiếm được cảm tình của toàn tiểu đoàn. Nhờ vậy, công việc đến tay tiểu đoàn cứ “chạy” như thoi đưa. Nhiều đêm, vừa đi gùi hàng về lán trại, chưa kịp tắm rửa gì, nghe điện báo phải đi chống lầy, cả tiểu đoàn lại ào ra mặt đường. Bộ đội ngồi trên xe thấy chị em cực nhọc, thương và cảm phục quá, không biết cảm ơn như thế nào, chỉ biết chọc vui cho các cô đỡ nhọc: “Các em đi “chống lầy” đó à!” (nói lái thành “lấy chồng”)... Vừa chỉ đạo đơn vị, người chị cả tên Thao luôn thể hiện mình là một  đầu tàu gương mẫu trong công tác, chiến đấu, thể hiện sự gan dạ, trung kiên và đức hy sinh không tiếc thân mình. Câu chuyện chị lao xuống vực cứu một chiến sĩ trên đường hành quân từ Bắc vào Nam, chuyện chị một đêm “gùi” Chính trị viên Đại đội 1 Huỳnh Thị Lựu bị thương vì đạn pháo và 2 gùi gạo qua sông... đã trở thành những bài học về lòng yêu nước, tình yêu đồng đội được CBCS trong và ngoài đơn vị học tập.

Nhớ về thời kỳ gian khó, nơi bà cũng như đồng đội của mình đã sống đẹp đúng nghĩa của tuổi thanh xuân, bà lại rơi nước mắt nhớ về sự hy sinh anh dũng của Chính trị viên Đại đội phó C3 Nguyễn Thị Lâu. Năm 1972, khi hành quân vượt sông Nước Oa (Trà My) trúng mùa mưa lũ, chị Lâu đã lao mình xuống dòng sông chảy xiết để băng qua bờ bên kia buộc dây. Đến khi đã buộc dây xong, trở về để đưa đồng đội qua sông xong, đến lượt mình, cô đã bị dòng nước hung dữ cuốn trôi. Người nữ chiến sĩ đạt danh hiệu thi đua 4 năm liền, từng cõng 19 tấn hàng/năm ấy đã ra đi ở độ tuổi thanh xuân phơi phới, đến nay vẫn không tìm được hài cốt... Hay như lần bà cùng 12 chiến sĩ về vùng Quế Sơn giao nhận hàng, khi hành quân đến Quế Thuận thì gặp pháo địch tập kích bắn từ Hòn Đỏ, Hòn Đèn bắn lên. Cả 13 người phải ẩn núp trong hang. Thế rồi, một trái pháo không may rơi trúng nơi hang 13 người ẩn náu. 6 người đã hy sinh, 6 người còn lại bị thương. Còn bà không hiểu vì sao máu me cũng dính đầy người mà không bị thương tích gì cả... Về sau này, 6 nữ chiến sĩ ấy được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã Quế Thuận, 6 nữ chiến sĩ còn lại được chuyển ra Bắc điều trị vết thương...

Với phương châm hành động “đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ”, “không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu. Có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”, đã tạo nên khí thế cho cả Tiểu đoàn Bà Thao “ra quân như biển trào bão lốc, xuống đường như đất lở đất long”. Để rồi tên tuổi của Tiểu đoàn “Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng, vai sắt” mãi mãi còn lại trong niềm kính phục của bao người dân Trung Trung bộ...      

Tháng 10-1972, Tiểu đoàn bà Thao giải thể, tất cả các thành viên trong tiểu đoàn được chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Trong suốt hơn 4 năm thực hiện sứ mạng thiêng liêng mà lịch sử đã giao cho, Tiểu đoàn bà Thao đã gùi tổng cộng 5.019 tấn hàng. Trung bình mỗi năm, mỗi nữ chiến sĩ ở Tiểu đoàn đi bộ 600km. 57 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại dọc trên con đường Trường Sơn 559 máu lửa và dọc những vùng giáp ranh. Tên của Tiểu đoàn bà Thao gắn liền với một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mãi mãi được cán bộ, nhân dân chiến trường khu V ghi ơn..

P.T

(còn nữa)