Tìm cách bảo vệ cây ươi

Thứ năm, 24/06/2021 18:50

Năm nay cây ươi được mùa, cho nhiều quả, do đó những ngày qua có hàng trăm lượt người dân vào rừng khai thác. Trong đó, có một số đối tượng đã chặt hạ ươi để lấy quả. Nhằm ngăn chặn tình trạng chặt hạ cây ươi, ngày 23-6, UBND tỉnh Quảng Nam có có Công văn số 3757-UBND/KTN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi.

Hạt ươi được người dân thu gom để bán lại cho thương lái.

Được mùa ươi

Cây ươi là cây rừng có giá trị kinh tế, quả ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khác và rất được thị trường ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay, cây ươi phân bố chủ yếu ở một số huyện miền núi như: Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… Việc thu hái quả ươi đã giúp cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong những năm qua việc khai thác ươi của người dân chưa được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, phương thức phổ biến của người dân là chặt hạ cây ươi còn sống để lấy quả. Phương thức này mang tính hủy diệt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.

Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Vườn Quốc gia Sông Thanh) cho biết, trên địa bàn các xã trong lâm phận Vườn quốc gia, tình hình cây ươi đang cho quả với số lượng rất nhiều. Trước tình trạng này, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã có công văn yêu cầu các Tổ Bảo vệ rừng trực thuộc rà soát, thống kê những khu vực phân bố cây ươi trong lâm phận để có biện pháp bảo vệ; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác ươi trái phép.

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Sông Thanh cũng tăng cường công tác phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ cây ươi; giúp người dân thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế mang lại của cây ươi để từ đó có sự đồng thuận trong công tác bảo vệ. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách thức thu lượm hạt ươi bay, điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký thu lượm hạt ươi; nghiêm cấm người dân thu hái hạt ươi xanh, nghiêm cấm đưa dụng cụ, phương tiện vào rừng đặc dụng để khai thác, chặt hạ cây ươi.  Ngoài ra, công tác phát triển rừng, nhân rộng và phát triển cây ươi bản địa cũng được lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh triển khai tại các cuộc họp, bằng hình thức thu mua hạt ươi bay của người dân thu lượm được về ươm giống và cấp lại cho người dân để trồng và bảo vệ…

Không riêng gì ở Vườn Quốc gia Sông Thanh, nhằm tăng cường công tác bảo vệ cây ươi, thời gian qua chính quyền địa phương, như: Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng đã có nhiều chỉ thị, công văn, kế hoạch tăng cường quản lý, tuyên truyền, chốt chặn, tuần tra, bảo vệ những khu vực có cây ươi trên địa bàn. Các địa phương cũng đã thông báo cho các thôn, tổ rà soát khu vực rừng có cây ươi để đăng ký khu vực thu lượm hạt; người dân phải cam kết không được cưa, chặt hạ cây ươi...

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình rừng núi phức tạp nên việc quản lý các đối tượng từ nơi khác đến khai thác ươi chưa được triệt để. Trong đó đã xảy ra tình trạng người dân chặt hạ ươi để lấy quả. Điển hình ngày 19-6, Trạm Bảo vệ rừng Phước Xuân (thuộc Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh) phát hiện ông Trần Hữu Út (1975, trú xã Đại Đồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) lén lút vào khu vực khoảnh 7, tiểu khu 625 thuộc xã Phước Xuân chặt hạ cây ươi có khối lượng gỗ quy tròn hơn 5m3. Qua lời khai của ông Trần Hữu Út thì ông cùng 3 người khác, gồm: Đoàn Lề, Nguyễn Đăng Hạnh và Nguyễn Đăng Hùng (3 đối tượng trên đã bỏ trốn, cùng trú xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) cùng nhau chặt hạ cây ươi nói trên bằng cúp (lưỡi sắt), thu hái được 25 kg hạt ươi tươi.

“Khu vực cây ươi bị đốn hạ là khu vực rừng đặc dụng, thuộc lâm phậm Vườn quốc gia Sông Thanh. Hiện Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, chuyển hồ sơ cho Công an và Viện kiểm sát huyện Phước Sơn để tiếp tục thực hiện các bước theo quy định pháp luật. Đối tượng vi phạm sẽ được xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn và răn đe những người cố tình thu hái ươi bằng cách đốn hạ”, ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Út bên cây ươi bị đốn hạ trong lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh.

Tăng cường quản lý

Trước thực trạng trên, ngày 23-6, UBND tỉnh Quảng Nam có có Công văn số 3757-UBND/KTN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ. Theo công văn, hiện nay tại các huyện miền núi của tỉnh đang xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi (đang sinh trưởng, phát triển) để lấy quả, chặt cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ (phong lan, nấm,…) gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, có nguy cơ làm tuyệt chủng loài ươi, phong lan, nấm... Mặc dù, lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng và các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại mà có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Để kịp thời ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể, nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi để hái quả, chặt hạ cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được kiểm tra làm rõ và phải xử lý như đối với trường hợp phá rừng, khai thác gỗ trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và quản lý người dân trên địa bàn thực hiện thu hái, kinh doanh quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ khác theo đúng quy định.

Đồng thời triển khai các giải pháp quyết liệt để tổ chức truy quét, ngăn chặn các hành vi chặt hạ cây để khai thác quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ khác trái quy định. Chỉ đạo lực lượng Công an, chính quyền địa phương cấp xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các đối tượng đến địa bàn cư trú và xâm nhập trái phép vào rừng để kịp thời phát hiện, xử lý và kiên quyết đẩy đuổi ra khỏi địa bàn; đồng thời tịch thu các phương tiện, thiết bị, dụng cụ thủ công, cơ giới và các vật dụng khác vào rừng khai thác lâm sản trái phép.

Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc khai thác, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc lâm sản để làm cơ sở theo dõi, quản lý cây ươi cũng như các loài lâm sản ngoài gỗ khác đúng theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 27. Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ lực lượng tham gia và phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng chặt hạ cây rừng để thu hái quả ươi và lâm sản ngoài gỗ; tiến hành xử lý các hành vi khai thác, mua bán, tàng trữ và kinh doanh quả ươi, phong lan, các loài lâm sản ngoài gỗ khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

BÃO BÌNH