Tìm được hài cốt Phó Bí thư huyện ủy sau 58 năm

Thứ ba, 08/12/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-8, tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam) đã diễn ra lễ truy điệu và an táng một người khá đặc biệt. Đó là đồng chí Phạm Nghiên (còn gọi là Phạm Nghiện), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Điện Bàn (hiện nay là thị xã) hy sinh năm 1957. Hành trình tìm được hài cốt đồng chí Phạm Nghiên sau 58 năm trước hết nhờ sự hợp tác của một cựu cảnh sát chế độ cũ.

Đồng chí Phạm Nghiên quê ở Điện Nam Bắc, Điện Bàn, bị địch bắt tại thôn Cẩm Sa khi đang chỉ đạo các chi bộ rải truyền đơn, treo cờ, tổ chức mít-tinh công khai, tố cáo sự trả thù của chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi thực hiện Hiệp định Genève. Địch dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn kiên trung và đấu tranh quyết liệt đồng thời kêu gọi binh lính chống lại chế độ Mỹ - Diệm. Bọn ngụy quyền tàn ác đưa về nhà lao Vĩnh Điện cắt nhượng (gân) chân, cột đồng chí tại trụ sở cảnh sát quận Điện Bàn rồi để đói, khát suốt 9 ngày đêm. Biết không thể nào lung lạc tinh thần người Phó Bí thư Huyện ủy, ngày 30-7-1957, chúng cắt đầu đồng chí treo ở cầu Vĩnh Điện nhằm uy hiếp nhân dân…

Ngần ấy năm qua, việc ai đã chôn cất đồng chí Nghiên trong sự khủng bố, dòm ngó của kẻ thù, từ gia đình và đồng đội đã cố tìm nhưng vẫn bặt vô âm tín. Vợ con ông Phạm Nghiên (sau này đã mất) nhưng may mắn vẫn còn có những người cháu hiếu thảo quyết tâm tìm hài cốt thân nhân của mình. Anh Phạm Xuân Thảo, cháu gọi ông Nghiên bằng ông nội chú có một người bà con trong họ ở xã Điện Nam Bắc (nay hơn 80 tuổi) tên là Phạm Tâm, trước đây từng làm cho chế độ cũ. Bao nhiêu năm qua, ông Tâm sống lặng lẽ, ít giao tiếp. Bằng linh cảm đặc biệt, anh Thảo tin rằng ông Tâm có biết đến vụ hành hình của ông nội mình. Thế là anh tìm cách gần gũi, chuyện trò  tâm tình, khơi gợi điều suy nghĩ của ông lâu nay. Một ngày, ông Tâm bộc bạch rằng, ngày ấy chính ông là người chôn cất ông Nghiên ở gần  chi khu cảnh sát Điện Bàn nhưng ông không dám nói ra vì sợ. Tuy vậy trong lòng ông luôn ray rứt không yên, nay ông phải nói ra cho gia đình biết. Nguồn tin này lập tức được xác minh. Ông Tâm đưa anh Thảo đi tìm gặp thêm các nhân chứng trước đây làm cho chế độ cũ từng có mặt ngày ông Phạm Nghiên hy sinh. Sau đó anh Thảo làm đơn gửi cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn.

Lễ an táng liệt sĩ Phạm Nghiên tại Nghĩa trang thị xã Điện Bàn.

Cái khó nhất là nơi nghi chôn cất đồng chí Phạm Nghiên bây giờ là nhà kho được xây dựng khá kiên cố. Hơn nữa, nền đất đã đổ cao 4 m so với trước, việc khai quật rất tốn kém và khó khăn. Cái mốc duy nhất mà ông Tâm và các nhân chứng khẳng định là có những tấm đanh của nhà vệ sinh ngày trước còn nằm lại. Ban CHQS thị xã làm tờ trình xin ý kiến Ban chỉ đạo Đề án 1237 của tỉnh Quảng Nam. Câu trả lời là bằng mọi giá và tốn kém đến mấy cũng phải tìm bằng được hài cốt đồng chí Nghiên. Lúc đầu, chủ căn nhà số 105, khu phố 7 P. Vĩnh Điện (cùng là chủ nhà kho nơi nghi có hài cốt đồng chí Nghiên) chưa thông suốt. Ban CHQS thị xã phải nhờ cấp ủy, chính quyền của phường cùng làm công tác tư tưởng, phân tích ý nghĩa của công tác quy tập hài cốt liệt sĩ thì chủ nhà mới đồng ý. Suốt 4 ngày từ 24 đến 28-8, 15 dân quân P. Vĩnh Điện cùng với 5 nhân công có kinh nghiệm bên ngoài thay nhau đào đất theo sự chỉ dẫn của ông Phạm Tâm. Địa hình đã thay đổi hoàn toàn, có lúc tưởng chừng thất vọng nhưng sự xuất hiện các tấm đanh làm mọi người thêm quyết tâm tìm kiếm. Đào sâu xuống 4m trong bán kính 12m2 là bắt đầu đến mặt nước cùng với bùn lầy. May mắn đã đến khi cuối cùng đã tìm thấy hài cốt đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy. Do đặc thù tầng địa chất vùng đất này nên tất cả xương của cơ thể còn nguyên vẹn (chỉ thiếu sọ), di vật có cả chiếc nút áo. Không chỉ bộ đội, dân quân mà nhân dân đến chứng kiến đều vô cùng vui mừng trước điều kỳ diệu đó.

Anh Thảo nói rằng, dù muộn màng nhưng ông Phạm Tâm đã làm được việc phải làm và gia đình anh vô cùng biết ơn ông. Anh Thảo cũng không thể nào quên ơn các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn và nhân dân Vĩnh Điện đã chung tay để đưa hài cốt của ông mình về giữa lòng đồng đội thân yêu.

Hồng Vân