Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án dân sinh cấp thiết

Thứ sáu, 22/03/2024 06:54
Ngày 21-3, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã làm việc với một số đơn vị liên quan tới công tác đầu tư công các dự án nhóm C trên địa bàn thành phố. Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, dự án đầu tư công nhóm C là các dự án dân sinh cấp thiết.
Hiện nhiều dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường mặt cắt 3,5m đang vướng mắc trong bàn giao tài sản cấp nước sạch.
Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, việc giám sát để chỉ ra những tồn tại, khắc phục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án dân sinh cấp thiết.

Từ năm 2021 HĐND TP có nghị quyết giao quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C cho UBND TP với mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư dự án, kịp thời đưa dự án vào sử dụng, đảm bảo phục vụ các vấn đề dân sinh cấp thiết. Theo đó, từ năm 2021 đến nay UBND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 288 dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.370 tỷ đồng và ủy quyền cho UBND các quận phê duyệt chủ trương đầu tư 343 dự án từ nguồn vốn dân sinh với tổng mức đầu tư hơn 1.378 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bà Nhung, quá trình triển khai đầu tư các dự án nhóm C vẫn tồn tại những vướng mắc, bất cập khiến tiến độ đầu tư dự án chậm trễ, kéo dài. Việc thực hiện giám sát để chỉ ra những tồn tại nhằm khắc phục, từ đó có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án nhóm C trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, từ năm 2021 đến nay Ban được giao nhiệm vụ chủ đầu tư 15 dự án nhóm C, trong đó 3 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, 12 dự án đã phê duyệt với tổng vốn hơn 299 tỷ đồng, hiện 7 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang triển khai. Theo ông Dũng, những dự án nhóm C do đơn vị triển khai thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc, nổi bật như vướng mắc trong bàn giao tài sản cấp nước sạch, nhất là dự án có cải tạo, di dời hệ thống thoát nước hiện trạng. Hiện Ban QLDA còn tồn tại 5 công trình có đầu tư, cải tạo, di dời hệ thống cấp nước hiện trạng chưa hoàn thành công tác bàn giao quản lý vận hành, khai thác. Trong đó chủ yếu là các dự án mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường từ 3,5m lên 5,5m tại các quận. Ông Dũng kiến nghị thành phố cần sớm thống nhất chủ trương đơn vị tiếp nhận, thủ tục bàn giao tài sản cấp nước sạch để có cơ sở hoàn thành công tác bàn giao, khai thác dự án.

Hiện nhiều dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường mặt cắt 3,5m đang vướng mắc trong bàn giao tài sản cấp nước sạch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hinh, Trưởng Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, từ năm 2021 đến nay Ban được giao thực hiện chuẩn bị đầu tư 22 dự án nhóm C, hiện có 9 dự án đã đưa vào sử dụng, 9 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Theo ông Hinh, công tác triển khai thực hiện các dự án đầu tư công nhóm C do đơn vị làm chủ đầu tư và điều hành được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, đáp ứng tiến độ và mục tiêu đầu tư đã được phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư các dự án này. Ông Hinh kiến nghị thành phố sớm có chủ trương cụ thể để xử lý đối với các trường hợp hộ giải tỏa làm nhà trên đất không phải là đất ở. Hiện các hộ này chưa bàn giao mặt bằng vì chưa được giải quyết ổn định chỗ ở. Ông Hinh cũng kiến nghị cơ quan chuyên môn sớm kiểm tra và yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ dự án vào những ngày đầu sau khi tiếp nhận. Trong quá trình thẩm định cần góp ý yêu cầu chỉnh sửa một lần để rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ. Khi thực hiện lấy ý kiến sở ngành nếu quá thời gian quy định nhưng chưa có ý kiến phản hồi thì xem như đã thống nhất với nội dung thực hiện lấy ý kiến và đề nghị đơn vị chủ trì xử lý hồ sơ luôn mà không phải chờ ý kiến của các đơn vị đó nữa.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Thành Tiến cho biết, các dự án đầu tư công nhóm C là dự án dân sinh, cấp thiết, thời hạn thực hiện trong 3 năm, tuy vậy nhiều dự án kéo dài vượt thời gian quy định, có dự án tới 6-7 năm. Khi HĐND TP giao quyền quyết định chủ trương đầu tư công dự án nhóm C cho UBND TP với mục tiêu dự án được triển khai nhanh, đáp ứng yêu cầu cấp thiết. Nhưng với thực tế như vậy, cần rà soát lại kết quả giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án không đạt theo tiến độ mong muốn, và phải nhận diện được vì sao tiến độ chậm, vướng mắc vẫn còn ở đâu? Chẳng hạn vướng thủ tục thì cần phải xem lại một số nội dung như quy trình tiếp nhận và trả hồ sơ vì sao kéo dài, vì sao đơn vị thẩm định trả hồ sơ nhiều lần, có bao nhiêu hồ sơ như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?.

Sau khi rà soát cụ thể mới đánh giá được hiệu quả của chủ trương phân cấp, giao quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C đến đâu. Dự án có triển khai nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu các dự án dân sinh cấp thiết không?. Ông Tiến chia sẻ, Hà Nội và TPHCM có số dự án nhóm C nhiều nhưng thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư vẫn do HĐND TP quyết định.

HẢI QUỲNH