Tìm giải pháp “sống chung” với thủy điện

Thứ tư, 07/12/2016 09:49

(Cadn.com.vn) - Thực tiễn phát triển thủy điện cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, thì các công trình thủy điện cũng gây nên những tác động tiêu cực, to lớn đối với môi trường và xã hội...Đó là nhìn nhận của đa số các đại biểu tham dự buổi đối thoại đa chiều “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên” lần thứ 3 tổ chức ngày 6-12 tại  Đà Nẵng.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Nhiều hệ lụy

Mở đầu buổi đối thoại, ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (KHKT) Đà Nẵng cho rằng, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng dày đặc hệ thống thủy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã gây thiệt hại đáng kể về môi trường và kinh tế - xã hội. Theo ông Phước, dễ nhận thấy nhất là tình trạng ngập lụt và xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ lưu và vận hành xả không đúng quy trình. Hạn hán và suy giảm chất lượng nước hạ lưu do lượng xả của các nhà máy phụ thuộc vào chế độ vận hành nhà máy, hơn nữa các nhà máy không có cửa xả đáy để có thể xả trong trường hợp mực nước hồ thấp dưới mực nước chết. Suy giảm dòng chảy bùn cát ở hạ du do công trình không có thiết kế cống xả đáy làm thiếu hụt lượng phù sa bổ sung độ màu cho đất nông nghiệp hạ lưu, thêm vào đó là hiện tượng khai thác cát đang diễn ra khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến hình thái sông và sinh kế của người dân sống dựa vào tài nguyên này. Bên cạnh đó, suy giảm tài nguyên sinh học, nhất là tài nguyên rừng rất đáng báo động. Đó là chưa kể làm phát sinh các vấn đề liên quan đến đền bù, di dân tái định cư và an sinh xã hội; các rủi ro và sự cố môi trường như vỡ đập, động đất... “Ngoài ra, các vấn đề nghiêm trọng về môi trường ở phạm vi rộng, dài hạn và khó dự báo hơn là các vấn đề môi trường tích lũy mang tính lưu vực. Các vấn đề này có mức độ tác động lớn hơn và khó giải quyết hơn do các tác động từ chuỗi các nhà máy thủy điện gây ra một chuỗi những tác động đơn lẻ được tích hợp lại, trong quá trình thi công, xây dựng và hoạt động của các nhà máy thủy điện”, ông Phước nhìn nhận.

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ (TS) Quách Thị Xuân, Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững (Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Đà Nẵng) đưa ra một số thống kê “thiệt hại” cụ thể từ việc phát triển thủy điện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam). Theo đó, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho thủy điện là gần 1.390 ha, do lòng hồ chiếm chỗ. Bên cạnh đó, diện tích rừng còn bị mất để phục vụ làm đất tái định cư và đất sản xuất cây lương thực hàng năm (khoảng 9.293ha). Cũng theo TS Xuân, suy giảm rừng ở khu vực này đã kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như ảnh hưởng đến dòng chảy, lũ nguy hiểm hơn, thay đổi phù sa ở cả 2 nhánh Vu Gia và Thu Bồn, gây xói lở bờ biển Hội An... Một vấn đề nghiêm trọng khác theo TS Xuân, đó là việc trồng rừng thay thế chưa được các nhà máy thủy điện quan tâm. Đến cuối năm 2014, cả tỉnh Quảng Nam mới chỉ thực hiện trồng rừng thay thế vỏn vẹn 24/700 ha (tương đương 3,4% kế hoạch năm). Đặc biệt, 4 nhà máy thủy điện “nợ rừng” diện tích lớn như Sông Bung 2 chưa trồng 426 ha, Sông Tranh 2 chưa trồng 314 ha, Sông Bung 4 hơn 206 ha, Sông Bung 5 là hơn 106 ha...

Ông Đặng Ngọc Quang, Cố vấn tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết, qua tham vấn cộng đồng chịu ảnh hưởng của thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, sau hơn 1 thập kỷ, người dân cũng đề cập đến những ảnh hưởng tốt của các dự án thủy điện, như tiếp cận được điện, nước sạch, đôi khi họ nói về nhà ở kiên cố, những cơ sở hạ tầng được cải thiện... Tuy nhiên, nổi bật hơn là những vấn đề mà các dự án thủy điện để lại vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cộng đồng, những tổn thương do thủy điện gây ra vẫn chưa được hàn gắn. Cụ thể là đất đai, giá cả đền bù không đầy đủ; nhiều dạng tổn thất tài sản thiên nhiên mà người dân bị mất không được tính đến làm sinh kế của họ sa sút (mất nguồn thủy sản, bãi chăn thả, nguồn nước vận chuyển, nguồn nước sinh hoạt). Ngoài ra, ở những cộng đồng tái định cư, có những sai sót ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến đời sống người dân như xây dựng hạ tầng khu vực tái định cư không đảm bảo (hệ thống nước sạch, đường giao thông; nhà ở xuống cấp, chưa phù hợp)...

Ở một số khu TĐC để làm thủy điện, người dân đã bỏ nhà hoang
để tìm nơi ở mới có đất sản xuất, nước sinh hoạt nhằm ổn định cuộc sống.

Giải pháp “sống chung” với thủy điện

Tại buổi đối thoại, rất nhiều ý kiến, kiến nghị đầy tâm huyết, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các cộng đồng dân cư ở các địa phương có thủy điện như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đăk Lăk và Đăk Nông để phát triển thủy điện bền vững trong tương lai. Hầu hết đều thừa nhận, phát triển thủy điện là một bài toán đánh đổi-cần phải được nhìn nhận cặn kẽ, thấu đáo và thận trọng. “Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, vấn đề phát triển thủy điện cần phải cân nhắc thận trọng hơn rất nhiều để đảm bảo hài hòa an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng và an ninh con người vì sự phát triển bền vững thực sự của một đất nước”, ông Huỳnh Phước đặt vấn đề. Theo ông Phước, nguyên nhân của tình trạng phát triển thủy điện không bền vững có nhiều, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người, do cách quản lý của con người. “Trong quản lý, chúng ta chưa chú ý đến cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng, nhất là cộng đồng địa phương có thủy điện, chịu tác động trực tiếp của thủy điện theo quan điểm lấy dân làm gốc, để phát triển thủy điện và giám sát quá trình từ lúc thi công đến vận hành và nhất là chưa chú trọng cách tiếp cận hệ thống từ đầu nguồn xuống biển”, ông Phước nói.

TS Quách Thị Xuân cho rằng, đối với bất cứ lưu vực sông nào, mối quan hệ giữa hệ sinh thái nói chung và nguồn nước của toàn bộ lưu vực sông với vùng bờ biển là quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Đồng quan điểm với ông Phước, TS Xuân nói, để phát triển bền vững lưu vực sông và vùng bờ biển cần có cách tiếp cận mới trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông và vùng bờ biển. Đó là cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”, viết tắt là cách tiếp cận R-R. “Cách tiếp cận R-R đòi hỏi phải tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, khuyến khích và thể chế hóa sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng trong phạm vi lưu vực và vùng bờ biển, trên cơ sở đó lựa chọn và xây dựng cơ chế liên kết vùng để giải quyết các vấn đề có liên quan”, TS Xuân nêu giải pháp.

Với các hệ lụy nói trên, ông Đặng Ngọc Quang nêu quan điểm, là phải tháo gỡ các trở ngại và nâng cao năng lực để tạo quyền cho cộng đồng giải quyết vấn đề của mình. Theo ông Quang, trước hết phải đảm bảo sự tham gia thực chất của người dân chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện. Cụ thể là quyền của người dân tham gia vào quá trình định giá đền bù, quyền được biết thông tin từ các báo cáo đánh giá môi trường - xã hội ở một dạng thức phù hợp, dễ hiểu, quyền giám sát của người dân với các công trình dân sinh ở làng tái định cư; thúc đẩy nối kết các cộng đồng bị ảnh hưởng với các dịch vụ tư pháp, với các chuyên gia kỹ thuật, với các nhà báo để góp phần gỡ bỏ bớt rào cản về sự cách trở của cộng đồng với nguồn hỗ trợ; nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, các đại diện và đại biểu của họ để làm căn cứ dẫn luận trong các cuộc đối thoại hoặc các cuộc tranh tụng khi khiếu nại về đền bù và tái định cư...

Doãn Hùng