Tìm giải pháp tối ưu chống ùn tắc giao thông

Thứ bảy, 10/09/2016 09:14

(Cadn.com.vn) - Sáng 9-9, Liên hiệp các hội KH-KT Đà Nẵng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo phát triển xe buýt và xe buýt nhanh (BRT) cho TP Đà Nẵng. Theo đánh giá của ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT và các chuyên gia tham dự sự kiện, hiện nay TP có 6 tuyến buýt, tuy nhiên khu vực nội thành chỉ có 1 chuyến, trong khi đó phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp, nên cấp thiết phải đầu tư các dự án xe buýt và xe buýt nhanh chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách ngày một đông. Theo đó, UBND TP đã thống nhất phương án xây dựng thêm 5 tuyến buýt trợ giá với tổng cộng 214 vị trí dừng đỗ (dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10-2016); thời gian phục vụ từ 5h00 - 21h00 mỗi ngày, cứ 20 phút sẽ có 1 chuyến và vào giờ cao điểm - 10 phút/chuyến. 

Mức giá áp dụng cho các tuyến này là 5.000đ/khách/lượt tuyến, 90.000đ/khách/tháng; các đối tượng ưu tiên (người tàn tật, thương binh, học sinh - sinh viên) được giảm từ 50 - 100%. Cũng theo BTC hội thảo, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 2 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT, 15 tuyến buýt thường và năm 2030 sẽ tăng lên 28 tuyến xe buýt, trong đó 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường, phục vụ hầu hết các khu vực trong thành phố và 7 quận huyện. “Trong khi phương tiện xe máy và ô tô tư nhân ngày càng phát triển nhanh, tình trạng tắc đường là không tránh khỏi. Vì vậy, việc phát triển tàu điện ngầm và hệ thống xe buýt, xe buýt nhanh sẽ là giải pháp tối ưu nhất để cải thiện thực trạng tắc đường và thúc đẩy sự phát triển cho TP Đà Nẵng năng động” - ông Văn Hữu Chiến nói.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Công Hạnh