Tìm hướng đi cho phát triển du lịch golf Việt Nam
Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, năm 2019, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế và 1,5 triệu khách nội địa, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng. Riêng quý I-2020, lượng khách và doanh thu vẫn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Hiện nay, hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đã chơi golf. Dự kiến đến năm 2025, tổng số golfer sẽ tăng lên khoảng 300.000 người.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc chia sẻ, với bờ biển dài hơn 3.260km, địa hình đa dạng 3/4 đồi núi, Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú trong đó có du lịch golf. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "Thiên đường golf của châu Á". Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do lượng sân golf còn ít. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo.
Du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác; chưa có giải thưởng chuyên nghiệp; chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản. Các chương trình golf tour hiện đang khai thác còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khách chơi golf.
Trong tương lai, golf sẽ trở thành một loại hình giải trí toàn cầu với các thị trường mới đang phát triển ở châu Á, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Đông Âu. Vì vậy, chủ trương của ngành Du lịch Việt Nam là phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf theo hướng bền vững. Đây được xem là một trong những định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam những năm tới, ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp nhằm phát huy lợi thế của Việt Nam cũng như phát triển du lịch golf hiệu quả hơn trong thời gian tới. Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch golf được coi là hướng đi phù hợp trong chiến lược khôi phục ngành du lịch trước những tác động của đại dịch COVID-19. Việc phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới.
MINH HUỆ