Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong thời kỳ giãn cách xã hội
Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng vừa có chuyến đi khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hội viên nông dân trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó”.
Mô hình rau thủy canh của Nông dân phường Hòa Phát.
Kịp thời hỗ trợ, xử lý nhanh các khó khăn của nông dân
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của thành phố "ai ở đâu thì ở đó", đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân, nhất là các hộ sản xuất rau củ, quả. Để giúp nông dân khắc phục khó khăn trong sản xuất, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương cho nông dân ra đồng chăm sóc lúa và hoa màu nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Thiết cho biết thêm, vụ hè thu năm nay, nông dân thành phố Đà Nẵng sản xuất 2.500ha lúa, hiện đang vào vụ thu hoạch chính. Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp hướng dẫn giúp dân các phương án thu hoạch, bố trí máy móc, lịch trình cụ thể để bà con thu hoạch đúng thời vụ.
Ông Nguyễn Đức Xã, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông Nghiệp Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cho biết, vụ hè thu năm 2021, nông dân gieo trồng giống lúa Hoà Phát, chịu được hạn và kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Toàn xã có 130ha lúa, trong đó có 30ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất đạt 60-65 tạ/ha.
Nông dân Nguyễn Thành Quý, hội viên nông dân thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) vui mừng cho biết, năm nay, lúa vụ hè thu được mùa, mỗi sào (500m2) đạt 5,5 tạ, sau khi trừ công thuê máy gặt, vận chuyển và trừ các khoản chi phí sản xuất cả vụ, mỗi sào nông dân lãi từ 1,5 – 1,8 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch HND thành phố thăm mô hình nuôi chim cút ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước.
Ông Phạm Văn Muộn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cho hay, để kịp thời tạo điều kiện cho nông dân ra đồng thu hoạch lúa, Hội đã tham mưu với cấp ủy và đề nghị UBND xã tạo điều kiện thuận lợi, vừa sản xuất – vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19; kế hoạch đến trước ngày 9/9/2021 phải thu hoạch xong lúa vụ hè thu.
Về hoạt động của Chi hội nghề nghiệp nông dân thôn Trà Kiểm, hiện nay, chi hội có 25 hội viên chuyên nuôi chim cút đẻ trứng, tạo việc làm từ 70-75 lao động nông nhàn, mỗi ngày nông dân thu hoạch trên 200 nghìn trứng cút, trong đó chi hội nông dân nghề nghiệp thu hoạch 140 nghìn trứng, hiện nay 1kg trứng cút bán ra thị trường có giá 40 nghìn đồng được giao tận nơi.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 05 của UBND thành phố Đà Nẵng, Hội Nông dân xã Hòa Phước đã tham mưu kịp thời cho Đảng ủy và UBND xã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ sản phẩm và được sự hỗ trợ tiêu thụ của các xã, phường trong thành phố, đã giúp cho nông dân thôn Trà Kiểm tiêu thụ mỗi ngày 250 nghìn trứng cút.
Tại buổi làm việc với Hội Nông dân xã Hòa Phước và Chi hội nghề nghiệp nuôi chim cút đẻ trứng tại thôn Trà Kiểm, ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố đề nghị Hội Nông dân xã cần nâng cao vai trò, vị thế, tích cực, quan tâm hơn nữa, phải đến và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong việc thu mua thức ăn cho cút, và tiêu thụ số lượng trứng cút, không để tồn động dẫn đến hư hỏng, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Văn Liệu, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Đến tận vườn rau, trang trại để động viên nông dân yên tâm sản xuất
Trước đó, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Thiết đã kêu gọi, giới thiệu các doanh nghiệp, các hộ gia đình của các xã, phường lân cận để tiêu thụ trứng cút, bước đầu đã có 5 phường đăng ký tiêu thụ 10.000 – 30.000 trứng cút/1 ngày.
Còn tại trang trại hộ gia đình nông dân Nguyễn Văn Liệu, ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Hiện trại gà có 5.000 con, mỗi ngày thu hoạch từ 4.000-5.000 trứng, giá bán ra hiện nay 40 nghìn đồng/kg, sản phẩm trứng không tồn đọng, tiêu thụ tốt; ngoài ra, tại cơ sở nuôi gà, ông Liệu còn giúp cho 3 hộ nông dân tiêu thụ từ 10.000-15.000 trứng mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Liệu chia sẻ, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ rất tích cực từ Hội Nông dân các cấp, gia đình cố gắng vươn lên, vừa duy trì sản xuất, vừa tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm trứng gà, tạo việc làm và ổn định cuộc sống cho gia đình cũng như các lao động khác.
Nhưng hiện nay, khó khăn nhất trong việc chăn nuôi gia cầm là giá thức ăn cho gà quá cao, sản xuất ít có lãi, khó khăn trong việc vận chuyển tiêu thụ. Rất mong sự quan tâm của các cấp, các ngành nhất là các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình ông ổn định, phát triển nghề nuôi gia cầm; các ngành chức năng quan tâm cấp thẻ cho xe ô tô của gia đình được tham gia giao thông vào luồng xanh, để khâu vận chuyển được thuận lợi, kịp thời cung cấp trứng gà cho khách hàng.
Đến thăm mô hình sản xuất rau thủy canh của ông Hồ Nguyên Liệu, ở phường Hoà Phát (quận Cẩm Lệ) vườn sản xuất trên 800m2, mỗi ngày cung cấp cho siêu thị Vinmart từ 60-70kg rau các loại, giá bán 35-40 nghìn/1kg, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng; sau khi trừ chi phí mỗi tháng ông Liệu có lãi trên 20 triệu đồng.
Ông Liệu cho biết, trong thời gian qua, Hội Nông dân quận và Đảng ủy, UBND phường Hòa Phát rất ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cho vay vốn để phát triển sản xuất. Sản phẩm rau thủy canh của ông sản xuất ra không đủ để tiêu thụ, trong thời gian tới, gia đình sẽ có kế hoạch mở rộng mặt bằng sản xuất lên 1.800m2, vừa tạo việc làm cho lao động nông nhàn ở khu dân cư; quyết tâm xây dựng một mô hình có kết quả cao, để nông dân đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất theo nội dung Đề án 01 của Thành Hội.
Hi vọng rằng, với sự quan tâm tâm chỉ đạo kịp thời của Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, các hội viên nông dân sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm ổn định, khôi phục tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, qua đó nhằm quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
ĐĂNG BÌNH