Tìm lại mùa xuân vĩnh cửu

Thứ tư, 04/01/2017 09:26

(Cadn.com.vn) - Một trong những sự kiện bất ngờ và khá thú vị của mỹ thuật Việt Nam giữa năm 2016, đó là tranh của cố họa sĩ Nguyễn Văn Phương xuất hiện tại Singapore trong phiên đấu giá có tên Singaporean Art: Modern And Contemporary ASIAN Art của nhà đấu giá 33 Auction (ngày 21-5-2016). Theo đó, các tác phẩm của Nguyễn Văn Phương  gây chú ý tại phiên đấu giá gồm các sáng tác trên chất liệu sơn dầu và sơn mài vẽ ở thập niên 1990 như: Quán chè xanh, Trai Nội Duệ, gái Cầu Lim và đặc biệt là  Trẩy hội  (giá từ 9.000 tới 12.000 đô-la Singapore)...

Họa sĩ Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1930 ở Hà Nội và mất năm 2006 tại Đà Lạt. Học vẽ từ năm 1946, sau đó, ông từng triển lãm cá nhân ở Hà Nội năm 1950 và Hải Phòng năm 1951. Ông cũng từng có thời gian theo học Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Khoảng năm 1954, Nguyễn Văn Phương vào Sài Gòn, học Mỹ thuật Gia Định. Thời kỳ đó, ông không chỉ nổi tiếng là tác giả các bức tranh về đề tài lễ hội xa xưa nơi làng quê Việt, mà còn được biết đến là họa sĩ đầu tiên viết cuốn sách Mỹ thuật Việt Nam hiện đại do Nha Mỹ thuật Học vụ Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng Hòa ấn hành (1962), được xem là cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu quý, đến nay vẫn còn giá trị.

Họa sĩ Nguyễn Văn Phương.

Sau năm 1975, Gallery Tự Do từng tổ chức triển lãm cá nhân cho ông. Từ năm 1990, tranh Nguyễn Văn Phương được triển lãm thường xuyên hơn và nhiều tác phẩm của ông cũng xuất hiện tại các cuộc triển lãm nước ngoài như ở: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển... Tranh của Nguyễn Văn Phương để lại ấn tượng nhất là sơn dầu vẽ với nền màu vàng cam, trên đó là màu đỏ son, màu xanh lá, màu nâu đất... tất cả tương tác, hòa quyện tạo nên những hình thể chuyển động, hiệu ứng thị giác và cảm giác. Ngoài màu sắc nồng ấm, tranh ông đẹp ở những đường viền. Những đường viền đen không ray rứt như trong tranh Rouault (họa sĩ Pháp) mà hiền hòa như những nét chạm đình làng hay tranh khắc gỗ truyền thống Việt Nam. Ông đã làm sống dậy, làm mới hơn, tạo được cho mình một sắc thái riêng. Nguyễn Văn Phương tự gọi thế giới trong tranh mình là “Thời đại của mùa xuân vĩnh cửu”. Điều đó, có thể gặp trong những tác phẩm Bài chúc tết thầy (1992), Mùa xuân Văn Miếu (1995), Nhập thiên thai (1996), Lễ rước dâu (2001), Quan họ Bắc Ninh (2004)...với màu sắc và đường nét đầy rạo rực, ám ảnh. Họa sĩ Đinh Cường có lần viết về Nguyễn Văn Phương: “Hình ảnh người họa sĩ ấy tôi còn nhớ, dáng gầy cao, hay mặc bộ veston trắng, thắt cravate, tay ôm chiếc cặp đen, đôi khi cầm thêm cây dù hay chiếc tẩu, ung dung ngồi tréo chân trên cyclo, đến điểm hẹn... Những năm đầu 1960, với những sinh hoạt nghệ thuật phong phú, những Triển lãm Hội họa mùa xuân, và đáng ghi nhớ là cuộc Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ nhất tại Công viên Tao Đàn Sài Gòn năm 1962”.

Mùa xuân hoài cảm (tranh sơn dầu).

Còn nhà phê bình nghệ thuật Long Nghi (hiện ở San Francisco) nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Văn Phương sử dụng lão luyện năm màu sắc cơ bản mà triết học phương Đông thường gọi là ngũ sắc (bao gồm cả trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) một khái niệm rất gần gũi với triết lý ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Các yếu tố của ngũ hành có mối quan hệ hỗ tương và biện chứng với nhau, theo đó, mỗi yếu tố không ngừng biến đổi...Vì vậy ngũ hành có thể giải thích nguồn gốc cũng như các dạng thức của mọi hiện tượng tự nhiên. Chỉ khi nắm vững triết lý này, ta mới khám phá thế giới màu sắc của Nguyễn Văn Phương”.

Trần Trung Sáng