Tìm lời giải cho bài toán xâm nhập mặn

Thứ ba, 25/08/2020 19:00

Nhiều năm qua, biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng gay gắt và kéo dài khiến các tỉnh, thành miền Trung luôn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trong lúc nhiều địa phương đã chủ động ứng phó bằng các giải pháp công trình hiệu quả thì Đà Nẵng vốn là đô thị lớn, thành phố đáng sống với hơn 1 triệu dân vẫn còn loay hoay tìm lời giải cho bài toán này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra thực tế tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng).

Giải pháp đập ngăn mặn

Ninh Thuận vốn được xem như sa mạc của Việt Nam bởi lượng mưa ít nhất nước. Quanh năm đối mặt với nắng nóng, khô hạn bỏng rát nhưng Ninh Thuận chưa bao giờ phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt bởi địa bàn tỉnh nằm ngay sát thủy điện Đa Nhim cung cấp nước đầy đủ về đập dự trữ Lân Cấm phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt. Không phải đau đầu với bài toán thiếu nước, song chính quyền tỉnh vẫn chủ động phòng xa khi quyết định đầu tư 700 tỷ đồng xây dựng đập hạ lưu sông Dinh. Công trình với hạng mục đập dâng tạo hồ chứa nước ngọt dung tích 3,5 triệu m3 , có 6 cửa van thép điều tiết nước, đóng mở bằng hệ thống điện tử có thể đồng loạt dâng lên đảm bảo thoát lũ và hạ xuống chặn dòng trong khoảng 30 phút. Công trình kết hợp cầu giao thông đường bộ bố trí trên đập và âu thuyền phục vụ du lịch. 

Giám đốc Nhà máy nước Tháp Chàm cho biết: Đập hạ lưu sông Dinh chính là giải pháp công trình hàng đầu ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho cả ngàn héc-ta đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản dọc hai bên bờ sông. Công trình sẽ được khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới và sẽ phát huy hiệu quả rất to lớn cho cả vùng, trong đó, có kế hoạch nâng công suất nhà máy nước Tháp Chàm lên 120m3 , phục vụ cho 86.000 khách hàng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện lân cận.

Đập ngăn mặn trên sông Dinh sẽ được khánh thành vào cuối năm 2020.

"Hàng xóm" với Ninh Thuận là TP Nha Trang (Khánh Hòa) cũng tương tự. Toàn bộ hơn 500.000 hộ dân của thành phố đều dựa vào nguồn nước duy nhất con sông Cái. Những năm trước đây, nguồn nước sông liên tục bị thủy triều dâng cao xâm nhập mặn gay gắt, có lúc vượt tiêu chuẩn cho phép lên đến hàng trăm lần, độ mặn có lúc lên 25.000-28.000mg/lít.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa (Khawaco) Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại: Đập ngăn mặn phát huy rất tốt hiệu quả. Rất may mắn là lãnh đạo tỉnh kiên quyết ủng hộ công ty, nếu không thì Nha Trang không có nước dùng, kể cả Chủ tịch tỉnh 8 giờ đêm trực tiếp lên đây xem tình hình nước mặn tràn lên thế nào. Năm 2002, Khawaco làm đập tạm bằng cách đóng cừ, cọc tre, sau đó cho phép đóng cừ larsen, thả thêm rọ đá, bao cát để ngăn mặn. Từ năm 2005, tỉnh giao hẳn Khawaco quản lý đập ngăn mặn, hàng năm gia cố thêm các rọ đá, bao cát. Ông Sơn khẳng định, khi mới thi công, chỉ một số ít ngư dân ý kiến phản đối vì cho rằng tàu thuyền không đi lại được nhưng tỉnh quyết định ưu tiên nguồn nước và đa số người dân đều đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án xây dựng đập kiên cố trên sông Cái, bao gồm cả tuyến đường vành đai với tổng vốn 700 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương giai đoạn 2018-2025. Trong khi chờ đập kiên cố thì đập tạm do công ty quản lý vẫn phát huy hiệu quả nhiều năm nữa.

Đập ngăn mặn sông Cái đảm bảo nguồn nước sạch cho 500.000 dân TP Nha Trang.

Đề xuất xây đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ

Không riêng Ninh Thuận, Khánh Hòa, nhiều năm qua, hàng loạt các tỉnh thành miền Trung đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và kéo dài đã làm mất an toàn nguồn nước ngọt cung cấp cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Giải quyết bài toán hóc búa này, nhiều nơi chủ động lựa chọn giải pháp xây dựng các công trình đập ngăn mặn giữ ngọt và đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ngoài đập sông Dinh, sông Cái, còn có các công trình Thạch Nham, Trà Khúc (Quảng Ngãi), Vân Phong (Bình Định), Sông Hiếu (Quảng Trị), Thảo Long (sông Hương)...

TP Đà Nẵng là đô thị lớn với hơn 1 triệu dân đang sinh sống, câu chuyện về đảm bảo an ninh nguồn nước càng cấp bách hơn bao giờ hết. Liên tục những năm qua, lượng mưa trung bình hàng năm ngày càng giảm kéo theo lượng nước về các hồ thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng khiến nguồn nước sông tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn với tần suất và mức độ ngày càng báo động, kéo dài không chỉ trong mùa khô hạn mà cả trong mùa mưa. Có thời điểm như năm 2019 số ngày nhiễm mặn tại Cầu Đỏ lên đến 212 ngày khiến việc cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt cực kỳ căng thẳng, người dân bức xúc.

Giải quyết vấn đề cấp thiết này, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã triển khai loạt giải pháp từ phối hợp các thủy điện xả nước về Vu Gia, đầu tư nâng cấp hệ thống mạng đường ống, nhất là xây dựng tuyến đập ngăn mặn thứ 2 trên sông Cẩm Lệ. Loạt biện pháp này ít nhiều phát huy hiệu quả, "hạ nhiệt" được cơn khát nước ngay trong mùa khô 2020. Song, để đảm bảo lượng nước thô 560.000m3 /ngày theo quy hoạch cấp nước TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mới đây, ông Hồ Hương-Tổng Giám đốc Dawaco đề xuất cần có giải pháp công trình phù hợp để đảm bảo nguồn cấp nước thô an toàn và bền vững cho thành phố. Theo đó, Dawaco đề xuất phương án xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp nâng cấp, mở rộng cầu Hòa Xuân cách cửa thu nước Cầu Đỏ 4,5km về phía hạ lưu. "Việc xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ sẽ giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều dâng và hoạt động các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, tạo vùng sinh thái nước ngọt ổn định cho nông nghiệp và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, việc xây dựng công trình sẽ giảm giá thành sản xuất nước do không phải bỏ chi phí vận hành trạm bơm nước thô". Lãnh đạo Dawaco cũng cho biết, trong năm 2020, Dawaco hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ từ 230.000m3 /ngày lên 290.000m3 / ngày. Nếu dự án được thành phố đồng ý triển khai, sẽ đảm bảo nguồn nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ vận hành hết công suất, phục vụ cho người dân. Đó là chưa kể việc công ty tiết kiệm khoản chi phí cả tỷ đồng mỗi năm làm đập tạm ngăn mặn.

Thực hiện kịch bản ứng phó đảm bảo an toàn, an ninh cho nguồn nước, về lâu dài, Đà Nẵng đã tính đến phương án tìm, bổ sung nguồn nước sạch đủ phục vụ cho cả thành phố như khởi công xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 công suất 120.000m3 vào tháng 3- 2020. Song, như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội là cần phải đánh giá đúng về nhu cầu nguồn nước sạch cung cấp cho Đà Nẵng trong tương lai là rất lớn. Vì vậy, đề xuất phương án xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp cầu giao thông thuộc dự án nâng cấp, mở rộng cầu Hòa Xuân nhằm ngăn mặn triệt để cho Nhà máy nước Cầu Đỏ là rất quan trọng, cần được ngành chức năng xem xét thấu đáo. Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, công năng dự án, cần tính toán hết sự hài hòa, phù hợp với chiến lược quy hoạch, phát triển đô thị trong tương lai, cũng như các yếu tố tác động môi trường, dòng chảy, cuộc sống người dân...

KHÁNH VÂN