Tín dụng đen, sóng ngầm phát sinh tội phạm
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng xuất hiện thủ đoạn mới của một số đối tượng chuyên cho vay vốn với lãi suất cao. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là cho vay lãi nặng hoặc “tín dụng đen”. Bằng cách tận dụng kẽ hở của pháp luật một cách tinh vi, các đối tượng cho vay nặng lãi đã “hợp thức hóa” tài sản của người vay thành hợp đồng chuyển nhượng rồi xiết tài sản của họ, thậm chí khi giá trị tài sản bị xiết thấp hơn số tiền vay (việc định giá do các đối tượng cho vay đưa ra) thì rất có thể sẽ xảy ra các hành vi như dọa dẫm, đánh đập, bắt cóc, thậm chí giết người khi thấy không còn khả năng thu hồi nợ...
“Ma trận” được các nhóm tội phạm cho vay nặng lãi giăng ra để bẫy người vay chỉ đơn giản là phát tán tờ rơi, dán trụ điện, quảng cáo trên mạng và thậm chí gọi điện thoại trực tiếp chào mời, với những lời lẽ rất dễ lọt tai như cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng... Nhiều người vì đang cần tiền gấp ngay lập tức rơi vào “bẫy”, thế chấp giấy tờ tùy thân như bản chính hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), giấy tờ xe... để được vay với số tiền từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng, với mức lãi suất “cắt cổ”.
Một hình thức khác được các đối tượng cho vay lãi nặng sử dụng một cách tinh vi, xảo quyệt hơn, gây hậu quả nặng nề hơn, đó là hình thức cho vay dưới dạng “hợp đồng giả cách”. “Hợp đồng giả cách” thực chất là giao kèo vay vốn lãi suất cao núp bóng dưới hình thức hợp đồng mua bán nhà đất mà người vay tiền phải ký tên xác nhận mình đã chuyển nhượng tài sản nhà đất cho người cho vay, có công chứng - chứng thực một cách bài bản. Người vay nợ phải ký hợp đồng bán nhà, đất trong khi số tiền được vay thực nhận ít hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản. Nếu người vay thắc mắc, chủ nợ sẽ giải thích đó chỉ là ký làm tin; khi hoàn trả đủ gốc lãi thì hủy hợp đồng, trả lại giấy tờ gốc, nhà đất vẫn còn đó không việc gì phải sợ.
Với trường hợp thế chấp giấy tờ tùy thân như CMND, sổ hộ khẩu, ngay khi nhận tiền liền bị trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày. Phải gánh mức lãi suất cao ngất, người vay khó trả nổi, lâm vào cảnh cùng khốn vì lãi mẹ đẻ lãi con thành số nợ chồng chất. Và khi người vay không có khả năng để trả góp hàng ngày, lập tức bị các đối tượng đòi nợ kiểu xã hội đen như khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc, buộc bán giá rẻ mạt nhà cửa, đất đai để xóa nợ... Đó là chưa kể, người vay khi rơi vào thế túng quẫn, bị dồn vào chân tường, rất có thể họ sẽ thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật để có tiền trả nợ; thậm chí giết người để xóa nợ như một số vụ án xảy ra gần đây.
Còn với hình thức cho vay dưới dạng “hợp đồng giả cách”, khả năng người vay mất trắng nhà cửa, đất đai vào tay các chủ nợ hoàn toàn có thể xảy ra bởi không thể xác định hành vi cho vay nặng lãi của chủ nợ trong trường hợp này; đồng nghĩa với việc cơ quan công an không thể thụ lý. Những trường hợp này hầu hết là những tranh chấp dân sự và thuộc trách nhiệm xử lý của tòa án. Tuy nhiên, dù tòa có thụ lý thì phía nguyên đơn (bên vay) không đủ căn cứ chứng minh được hành vi vi phạm của bị đơn (chủ nợ), và nguyên đơn hoàn toàn thua thiệt. Trên bề mặt văn bản, đó là quan hệ dân sự mà hai bên đều đồng ý giao kết, đồng ý ký vào hợp đồng nên phải chịu sang nhượng tài sản. Thậm chí, nếu bên vay chần chờ không chịu giao tài sản thì lúc đó chủ nợ hoàn toàn có thể biến thành nguyên đơn để kiện ngược lại bên vay ra tòa!
Vấn đề đặt ra là trong “ma trận” tín dụng đen như hiện nay, thì giải pháp nào để hạn chế, ngăn chặn? Theo ý kiến của ngành chức năng, thì trước hết, nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên trực tiếp đến các ngân hàng để làm thủ tục vay vốn, bởi hiện nay hệ thống ngân hàng ngày càng mở rộng, thủ tục vay nhanh gọn, thuận lợi hơn rất nhiều. Trường hợp gia đình thuộc diện khó khăn, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương và đoàn thể các cấp để đề nghị giúp đỡ bằng các nguồn vay với lãi suất ưu đãi theo đúng đối tượng. Cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng vào các đối tượng cho vay nặng lãi, cầm cố giấy tờ tùy thân, ký hợp đồng vay nợ giả cách dưới dạng mua bán tài sản. Bên cạnh đó, để ngăn chặn “hợp đồng giả cách” một cách hiệu quả, khi làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng tài sản, công chứng viên cần nâng cao nghiệp vụ, ý thức của mình, nếu cảm thấy có dấu hiệu bất thường thì không nên công chứng hợp đồng.
Và giải pháp căn cơ, là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để có khuôn khổ pháp lý xử lý tín dụng đen dưới mọi hình thức. Đồng thời các ngành chức năng, đặc biệt là cơ quan hành pháp, cần tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ các đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, khi có đủ căn cứ thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để cảnh báo, răn đe, phòng ngừa có hiệu quả.
DOÃN HÙNG