Tình ca Ngô Thụy Miên

Thứ sáu, 12/04/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong suốt cuộc đời mình, Ngô Thụy Miên chỉ viết mỗi tình ca với sắc thái rất riêng, độc đáo. Và bất cứ ai đã từng yêu, từng đắm say trong hạnh phúc đều tìm thấy trong ca khúc của ông những kỷ niệm về chính mình.

NHỮNG TÌNH KHÚC NỔI TIẾNG

Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng trong một gia đình chuyên kinh doanh sách, báo. Người dân Hải Phòng vẫn còn nhớ “nhà sách Thanh Bình” có tiếng tăm thời ấy. Khi di cư vào Nam, hiệu sách này nằm trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu – TP HCM), đối diện trường tiểu học Pháp Aurore. Thời học sinh, ông học nhạc với nhạc sĩ Chung Quân (tác giả của ca khúc “Làng tôi”) tại trường trung học Nguyễn Trãi. Sau đó, ông học Đại học Khoa học Sài Gòn. Bước sang thập niên 60, Ngô Thụy Miên tốt nghiệp 2 bộ môn vĩ cầm  và nhạc Pháp do các giáo sư Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn vào năm 1965.

Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1963. Tuy nhiên, tác phẩm đầu tiên được công chúng biết đến là “Chiều nay không có em” được sáng tác vào năm 1965. Mới 17 tuổi, Ngô Thụy Miên đã xuất thần viết được những giai điệu đắm đuối:

“... Không có em đường xưa giăng mắt mây trôi

Chiều nào hai đứa chung đôi

Lặng nhìn mùa thu lá rơi...

Không có em mùa thu thôi lá vương bay...

Không có em còn ai thương lá thu bay,

Còn ai vương vấn cơn say,

Đời gian dối cô đơn mình ta...”

(Chiều nay không có em)

Có thể nói, Ngô Thụy Miên chịu ảnh hưởng của lối sáng tác trong sáng, tình tự thời tiền chiến và cách hòa âm sâu sắc của âm nhạc cổ điển Tây phương. Những năm tháng miệt mài tại trường Quốc gia Âm nhạc đã đem lại cho ông sự lãng mạn xen lẫn chút tôn nghiêm, cổ kính của Lamartine, Chopin, George Sand,... cùng những vần thơ bay bổng của Nguyên Sa sau này.

Năm 1969, Ngô Thụy Miên xuất bản tập nhạc đầu tay “Tình Khúc Đông Quân” gồm 12 bản tình ca in ronéo phát hành tại Sài Gòn. Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi thành Ngô Thụy Miên hiện nay. Ngô Thụy Miên viết nhiều về mùa thu, ông thích không gian thu bởi nơi đây đã trở thành điểm đến tuyệt vời của những người nghệ sĩ. Ngô Thụy Miên thường quan niệm, khi trái tim còn rung động, ông sẽ tiếp tục viết cho dù chỉ viết cho riêng mình. Một sáng tác được Ngô Thụy Miên yêu quý là bản nhạc "Em còn nhớ mùa xuân". Đó là tình khúc duy nhất ông viết tại Sài Gòn sau ngày 30-4-1975 trong nỗi nhớ một người bạn gái đã theo gia đình di tản ra nước ngoài trước ngày 30-4. Giai điệu nhắc đến những kỷ niệm đẹp, thơ mộng một thời ở Sài Gòn, Đà Lạt. Ngô Thụy Miên tâm sự, những ngày tháng đơn độc đó, ông lang thang khắp phố phường. Một chiều, ông tìm thấy những bản nhạc của mình nằm chênh vênh trên vỉa hè. Người bán sách rao mời, nói với ông, nếu không mua thì sẽ không bao giờ có nữa. Ông lặng lẽ quay về nhà. Nỗi nhớ người yêu dồn dập chạy dài trên những phím đàn. “Em còn nhớ mùa xuân” được khai sinh trong buổi chiều cô đơn đó. Cuối năm 1978, bản nhạc hoàn tất và được ông hát đầu tiên trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo Bidong trước khi lên đường đi Canada:

“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân

Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ

Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ

Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ...”.

Trong bốn thập niên qua, Ngô Thụy Miên đã viết khoảng 70 tình khúc với khoảng 20 bài từ trong nước. Thập kỷ 90 đánh dấu sự trở lại của Ngô Thụy Miên với những tình khúc mới như “Cần thiết”, “Em về mùa thu”, “Trong nỗi nhớ muộn màng”, “Ở  nơi nào em còn nhớ”... Một tác phẩm nổi tiếng của Ngô Thụy Miên  trong giai đoạn này được mọi người biết đến qua giọng ca Tuấn Ngọc là ca khúc “Riêng một góc trời” được viết vào năm 1997. Với sáng tác này, Ngô Thụy Miên đã thành công vang dội, được khán giả khắp nơi nồng nhiệt đón nhận.

MỐI DUYÊN NỢ VỚI NGUYÊN SA

Nếu như Từ Công Phụng và Du Tử Lê được coi là một sự hòa quyện giữa thơ và nhạc, Phạm Duy và Phạm Thiên Thư là tri kỷ thì Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa là cuộc gặp gỡ thú vị của hai tâm hồn lãng mạn. Cuối năm 1969,  sau 4 năm hai ca khúc đầu tay, Ngô Thụy Miên đã đến với những dòng thơ của Nguyên Sa. Ông nói, tôi đến không từ một sự lựa chọn vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, tôi đã nghe được những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo nên bằng những lời thơ ngọt ngào, tình tứ và tươi mát. Cũng giống như bao thanh niên, sinh viên học sinh của thập niên 60, Ngô Thụy Miên yêu và thuộc không ít thơ của Nguyên Sa. Nhắc đến “Áo lụa Hà Đông”, không ai không biết. Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng...

...Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh...”.

                                   (Áo lụa Hà Đông)

Thật ra, người đẹp trong bài thơ “Áo lụa Hà Đông” là Lý Lệ Hằng, hoa hậu Bắc Kỳ năm 1930. Cô xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh nên cô lên Hà Nội kiếm sống, làm nghề hát “cô đầu” tại các quán rượu. Sau này, Lý Lệ Hằng trở thành người yêu của Bảo Đại. Hơn 20 năm sau, giữa Sài Gòn hoa lệ, Nguyên Sa vẫn không quên được “màu áo lụa” ngày ấy nên đã viết nên vần thơ lung linh, chảy dài trong nỗi nhớ những tháng ngày xưa cũ. Năm 1969, khi nghe câu chuyện về nàng, Ngô Thụy Miên đã phổ bài thơ này thành nhạc phẩm nổi tiếng.

Nhiều người hỏi Ngô Thụy Miên có quen biết hay họ hàng với nhà thơ? Ông trả lời: “Chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn đến dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình”. Thật ra, Ngô Thụy Miên chỉ gặp Nguyên Sa có vài  lần. Sau đó, hai người có liên lạc với nhau qua điện thoại.

Sau thành công “Áo lụa Hà Đông”, Ngô Thụy Miên tiếp tục phổ nhạc các bài thơ của Nguyên Sa như “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi 13”  lan tỏa rất nhanh vào đời sống. Ngô Thụy Miên nay đã 65 tuổi. Những bản tình ca của ông đã khiến cho công chúng ngưỡng mộ bởi tài năng và sức lao động miệt mài. Cùng với Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, tình ca Ngô Thụy Miên được nhiều thế hệ yêu mến. Ông đã cống hiến cho nền tân nhạc những viên ngọc quý, một thế giới ngà ngọc, thấp thoáng bóng người tình với những giai điệu yêu đương còn chảy mãi trong tâm thức bao người.

Văn Khoa