Tính cấp thiết của giáo dục thông minh

Thứ bảy, 22/12/2018 12:10

ĐÀ NẴNG - Ngày 21-12, Văn Phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục& phát triển nhân lực phối hợp Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông (Bộ GD-ĐT), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tập Đoàn Bưu chính viễn thông và Sở GD-ĐT TP tổ chức hội thảo khoa học "Tiếp cận giáo dục thông minh trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông".

Các nhà nghiên cứu trình bày tham luận tại hội thảo.   Ảnh: P.T

8 tham luận cùng các ý kiến được các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia trên lĩnh vực giáo dục trình bày, thảo luận tại hội thảo tập trung xoay quanh một số nội dung như: Xu hướng thế giới về phát triển mô hình GD thông minh? Sự cần thiết triển khai mô hình GD này ở Việt Nam trong bối cảnh đổi mới chương trình, SGK GD phổ thông.

Cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn để triển khai nghiên cứu, phát triển GD thông minh ở nước ta cũng như những yếu tố cần thiết phải có để phát triển mô hình GD này sao cho vừa phù hợp với xu thế thời đại, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Lộ trình và bước đi phù hợp để nghiên cứu phát triển GD thông minh và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn- Vụ trưởng Vụ GD Trung học Bộ GD-ĐT, trước bối cảnh và nhu cầu đổi mới GD-ĐT theo tinh thần NQ 29, việc nghiên cứu, tiếp cận và phát triển "GD thông minh" trong đổi mới giáo dục phổ thông mang tính cấp thiết. Có thể quan niệm GD thông minh như là một hệ thống hỗ trợ quản lý GD& quản trị nhà trường, giảng dạy và học tập thông minh, phù hợp với xu thế phát triển CNTT, truyền thông của thế kỷ XXI, đáp ứng những thay đổi trong hệ thống GD hiện đại...

Trọng tâm của hệ thống này phải tập trung vào việc phát triển phẩm chất và năng lực người học, dựa trên môi trường CNTT, truyền thông tối ưu nhất. Đối với hoạt động dạy học, GD thông minh giúp mở rộng thời gian, không gian, tài liệu dạy học, phương pháp và hình thức dạy học, vượt qua các giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường. Nó cũng là một sự thay đổi GD nhằm thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ XXI, cụ thể như: các kỹ năng sáng tạo, năng lực tư duy logic, năng lực giao tiếp...

Cũng theo ông Vũ Đình Chuẩn, hiện nước ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về GD thông minh. Phần lớn các công trình nghiên cứu hiện nay chủ yếu mang tính chất nghiên cứu tổng hợp, đưa ra những định hướng về đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT& truyền thông... Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý GD và giáo viên thảo luận, đóng góp ý kiến về việc đổi mới phương pháp GD, quản lý GD hướng tới mô hình GD thông minh, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GD phổ thông mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

P.THỦY