Tình đầy - tuyển tập ca khúc phổ thơ Ngọc Thọ

Thứ tư, 26/02/2020 14:14

"Tình đầy" là tên gọi tuyển tập ca khúc phổ thơ của nhà  thơ Ngọc Thọ, do NXB Hội Nhà văn vừa ra mắt bạn đọc. Ấn phẩm dày 48 trang, khổ 20,5 x 22 cm, tranh bìa của họa sĩ Hoàng Đặng, phụ bản Phạm Ánh.

Tuyển tập "Tình đầy".

Là một trong những gương mặt thơ khá sung sức của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, Ngọc Thọ đã ấn hành nhiều tập thơ riêng như: Lên non (NXB Đà Nẵng 2001), Cung Đàn (NXB Đại học Huế), Sen (NXB Văn học 2012)... Trong đó, nhiều bài thơ của anh đã được nhiều nhạc sĩ yêu thích phổ nhạc và được phổ biến rộng rãi qua các giọng ca tên tuổi trên cả nước... Và tuyển tập "Tình đầy" được chọn lựa từ những ca khúc được chính tác giả và bạn bè yêu thích nhất.

Tác giả Ngọc Thọ bày tỏ: "Với tôi, cuộc rong chơi thú vị nhất là được thả hồn mình vào miền chữ nghĩa, âm thanh, màu sắc của thi ca, nhạc, họa. Chỉ có thơ ca mới mở được cái van tâm hồn mà nhiều lúc, ta không thể thốt bằng lời. Cũng có cái duyên tình cờ gặp được những người bạn nhạc sĩ, ngẫu hứng phổ lên những khúc tình ca về phận người, chứa chan tình yêu, trân trọng từng giây, phút cuộc sống này, thụ hưởng những giọt đẹp lung linh, dù có mỏng manh như sương khói rồi đến một ngày "cát bụi trở về cát bụi".

Mở đầu tuyển tập là câu chuyện kể về một thời đã xa những chuyến phà ngang đầy ắp người bận rộn, hối hả, chen chúc qua sông. Những khúc ca buồn não nuột cùng âm thanh guitar điện lúc mất, lúc còn hòa lẫn trong mùi gió biển... Bên ni sông ngó qua bên tê sông, chỉ thấy những xóm nhà ẩm thấp, những phận đời dập dềnh như một miền ngoại ô xa xôi vời vợi. Bên tê sông ngó về phố thị, dòng ngựa xe xuôi ngược rộn rã chốn phồn hoa... Lời thơ không nói gì về quá khứ, thế nhưng, ẩn sâu trong những giai điệu mượt mà,  chừng là những âm vang đánh thức  hoài  niệm  một thời khốn khó xa xăm, càng làm cho ta thêm yêu thành phố hôm nay. Yêu đời và yêu đất nước. Yêu em và yêu những nhịp cầu quay... (Ngẫu hứng cầu quay, Trương Kim Hùng phổ nhạc). 

Bên cạnh những giai điệu mượt mà ngợi ca thành phố, quê hương, còn là những câu chuyện tình yêu vụng về của chàng trai trẻ, dù vẫn biết ngày vui rồi chẳng đến đâu. Vì đời chỉ là bao giấc mơ thoảng qua, vì đó là kỷ niệm của một thời yêu đắm đuối, một thời chẳng hề biết không đến đâu... (Không đến đâu, Trương Kim Hùng phổ nhạc).  Cuộc tình ngày ấy đã qua lâu. Nhưng cung đàn xưa vẫn dìu dặt, réo rắt không thôi, chừng quyện vào nhau đến nghìn trùng... Đó là dư âm của cuộc tình xưa. "Thuở tôi là dây còn em là cung bậc... Thuở tiếng đàn đưa tôi vào bềnh bồng phiêu lãng. Cho tôi say rong ruổi tháng ngày... ". Ca khúc mang giai điệu đẹp, lãng đãng, nhẹ nhàng, chắp cánh cho lời thơ bay bổng vượt khỏi không gian, thời gian (Cung đàn, Phan Văn Nhi phổ nhạc). Bóng dáng của một thời thơ dại trong sân trường, tưởng đã mất tích giữa dòng đời, tưởng không bao giờ còn gặp lại. Thế rồi, bất chợt, sau muôn trùng xa xôi ấy, ta lại gặp nhau...  " Cứ ngỡ phút ban đầu choáng ngợp con tim. Hàng mi rưng rưng ta trao nhau bằng ánh mắt lặng câm cho đất trời run rẩy. Tình trần ngày xưa, ôi ngày xưa... ". (Bất chợt, Thu Thủy phổ nhạc). Chuyện tình qua lời thơ, ý nhạc gắn liền biết bao tên gọi: tình xa, tình lỡ, tình sầu, tình buồn, tình nhớ... Thế nhưng, nơi đây ta bắt gặp, tình yêu như đôi cánh, chắp cho cuộc tình đầy... Cứ như thế cùng nhịp điệu du dương, tươi sáng, đôi tình nhân dìu nhau những bước chân. "Ngày em đi về đó, anh ở cõi xa mờ"..., hoặc "Tình yêu không xa cách, có đâu ngày sum vầy. Tình yêu không cay đắng, có đâu niềm ngất ngây... Và nơi đó, hai kẻ yêu nhau nhớ mãi cuộc tình đầy" (Tình đầy, Phan Văn Nhi phổ nhạc). Lang Biang cái tên được hình thành từ câu chuyện tình yêu huyền thoại của chàng K'lang và nàng H'biang theo truyền thuyết của dân tộc K'Ho, từng làm xúc động bao du khách khi đặt chân ghé qua thành phố sương mù. Thế nhưng, nơi đây, Đêm Lang Biang không phải là khúc tình ca kể lể dài dòng. Đó chỉ là những lời thơ lấp lửng cùng điệu tango nhẹ nhàng đầy lãng mạn, để rồi cả miền đất Lang Biang huyền thoại chừng hiện ra trước mắt chúng ta nên thơ và mời gọi..." . Tiếng ca hòa phím tơ đồng. Rượu cần men say ý thơ giao hoan. Sưởi ấm bao yêu thương. Bên ánh lửa hồng tươi Lang Biang niềm mong chờ"... (Đêm Lang Biang, Trương Kim Hùng phổ nhạc).

Như bức tranh tuyệt vời mô phỏng ngày bước sang xuân. Không gian ngập tràn ngày sắc hoa hương thơm quyện với làn da mịn màng. "Ngày kia em mộng tơ vàng. Tôi mơ hương sắc theo nàng dệt xuân. Xuân sang hết hạ đông tàn. Nàng đi đi mãi tơ vàng còn vương". Và ca khúc Tơ vàng đã hình thành từ những tứ thơ như vậy (Tơ vàng, An Nhiên phổ nhạc).  Hoặc có lúc cảm xúc đến từ một cơn say. "Say nơi đây, không phải vì men rượu. Mà vì ánh mắt em. Vì dáng đi, giọng nói. Vì niềm vui ngày tới, khi có em bên đời"... Say. Mà tứ thơ vô cùng chắt lọc. Ẩn hiện một chút buồn, một chút vui. Một chút say, một chút tỉnh. Điệu blues của nhịp 6/8 chắp cánh tâm hồn đến cõi tình xa xôi (Say, Phan Văn Nhi phổ nhạc)...

TRẦN TRUNG SÁNG