Tình người lan tỏa ở "Siêu thị 0 đồng"
Sáng 27-8, Hội Sinh viên Việt Nam TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình " Siêu thị sẻ chia 0 đồng" nhằm hỗ trợ các sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19. Hoạt động ấm áp và ý nghĩa này đã góp phần tiếp sức cho các bạn sinh viên vượt qua dịch bệnh an toàn, giúp các em vững bước hơn để có thể hoàn thành tốt chương trình học tập của mình trong thời gian đến.
Các bạn sinh viên nhận được những nhu yếu phẩm cần thiết tại chương trình "Siêu thị sẻ chia 0 đồng". |
Ngay từ sớm, hàng chục sinh viên đã có mặt tại cổng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng để chuẩn bị đi "Siêu thị sẻ chia 0 đồng". Trước cổng trường, các khâu kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn... đã được chuẩn bị chu đáo. Các sinh viên xếp hàng giữ khoảng cách và làm theo hướng dẫn của tổ y tế. Phía bên trong của siêu thị là hàng chục quầy hàng với đầy đủ các nhu yếu phẩm như: nước rửa tay sát khuẩn, gạo, mì tôm, đồ hộp cùng hàng chục loại rau củ tươi xanh... được bày biện cẩn thận. Nhiều bạn sinh viên đã nhanh chóng chọn được những loại nhu yếu phẩm cần thiết và bỏ vào túi đựng của mình.
Bên cạnh Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng thì chương trình "Siêu thị sẻ chia 0 đồng" còn được tổ chức tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Ban Thư ký Hội Sinh viên TP Đà Nẵng sẽ triển khai Chương trình "Siêu thị sẻ chia 0 đồng" trong 2 đợt: đợt 1 từ ngày 27 - 28-8; đợt 2 từ ngày 31-8 - 1-9. Khi đến mua hàng tại "Siêu thị sẻ chia 0 đồng" sinh viên chỉ cần mang theo thẻ sinh viên là đã có thể lựa chọn các nhu yếu phẩm, vật tư y tế và nhóm thực phẩm rau, củ, quả. Tại chương trình, mỗi sinh viên sẽ được chọn tối đa 4 sản phẩm bất kỳ.
Anh Lê Công Hùng - Chủ tịch Hội Sinh viên TP Đà Nẵng cho biết, chương trình lần này được thực hiện là nhờ có đóng góp của các mạnh thường quân, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Thành đoàn Đà Nẵng...
Cũng nhằm giúp đỡ những trường hợp gặp khó khăn trong mùa dịch, "Siêu thị di động" miễn phí của nhóm công tác xã hội Chuyên nghiệp Đà Nẵng được tổ chức lần đầu tiên tại khuôn viên Trường THPT Huỳnh Khúc Kháng, đường Hà Huy Tập, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng vào sáng 23- 8. Ngay từ khi bắt đầu mở cửa, người dân có mặt tại đây rất trật tự chờ đến lượt của mình. Trước khi vào mua sắm, mỗi người dân đều phải rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, mang khẩu trang và găng tay cao su. Mỗi lượt mua sắm chỉ có 2 người vào cùng lúc, những người chưa đến lượt được sắp xếp ngồi giãn cách chờ đến phiên mình. "Siêu thị di động" được chuẩn bị hơn 20 mặt hàng là nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu như gia vị, miến khô, mì tôm, rau, củ, quả, trái cây, trứng gà, thịt, cá... được bày biện ngay ngắn trên từng kệ tủ. Mỗi người dân được chọn 10 thực phẩm khác nhau với đầy đủ các loại, giá trị trung bình của mỗi phần quà khoảng 300.000 đồng.
Bà Trương Thị Như Hoa (50 tuổi), trưởng nhóm công tác xã hội Chuyên nghiệp Đà Nẵng cho biết, trước đó chương trình phối hợp cùng chính quyền địa phương phát 200 phiếu đến các hộ gia đình khó khăn, nghèo khổ vì dịch. Để chương trình được diễn ra thuận lợi, đúng theo Chỉ thị 16 hạn chế tập trung đông người, BTC đã chia làm 2 ngày tổ chức, mỗi ngày 100 người chia làm 2 buổi. Trên mỗi tờ phiếu in rõ ngày giờ để người dân đến không phải chờ đợi quá lâu. "Góp nhặt kinh nghiệm từ những mô hình siêu thị 0 đồng ở nhiều nơi, tôi luôn mong muốn bà con cũng như mọi thành viên có mặt tại siêu thị phải đảm bảo an toàn phòng dịch nên khâu tổ chức vô cùng chặt chẽ. Ngoài ra, phần lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm được chúng tôi vận động từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Đặc biệt có một phần là thu rau củ quả từ những hộ sản xuất của người khuyết tật để vừa giúp họ có đầu ra vừa tạo nguồn thu nhập giúp họ ổn định cuộc sống. Chi phí hàng hóa cho mỗi đợt tổ chức khoảng 70 triệu đồng", bà Hoa cho hay
Có mặt tại "siêu thị di động", chị Ngô Thị Quýt (45 tuổi, P. Chính Gián, Q.Thanh Khê) vui mừng khi nhận được 2 túi nhu yếu phẩm đầy ắp từ chương trình. Vừa nhìn vào túi thực phẩm chị xúc động cho biết, công việc thường ngày của chị là nhặt phế liệu rồi bán lại để có thu nhập. Nhưng từ ngày thực hiện giãn cách xã hội, chị không ra ngoài đường được. Gia đình 5 người đều trông chờ vào vài đồng nhặt ve chai ít ỏi của chị: "Từ ngày dịch kinh tế eo hẹp lắm, các anh chị ở siêu thị tại đây cho tôi lựa rất nhiều món từ rau củ quả, gia vị đến thịt heo cũng có nữa. Hôm nay đem thịt về chắc tụi nhỏ ở nhà thích lắm".
Bà Trương Thị Như Hoa chia sẻ: "Trước mắt chúng tôi sẽ duy trì mỗi tháng 2 lần, ngoài siêu thị di động tổ chức cho Q. Thanh Khê, mục tiêu của nhóm là sẽ tổ chức mô hình này cho 7 quận huyện tại Đà Nẵng để chia sẻ với người khó khăn, chung tay vượt qua đại dịch".
NGUYỄN QUANG-DIỆU HUYỀN