Tỉnh táo trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội

Thứ hai, 16/08/2021 19:49

Đến nay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị chuẩn bị chuyển mình bước vào cuộc chiến mới với quyết tâm đập tan dịch bệnh ra khỏi cộng đồng. Nhưng bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, có một loại "virus" khác vẫn đang âm thầm lan nhanh chóng. Đó là virus "tin giả", tin sai sự thật. Ý thức được điều này, Công an TP Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh trên không gian mạng không để cho những đối tượng xấu sử dụng tin giả để định hướng người dân.

Lực lượng Công an TP Đà Nẵng xử phạt một đối tượng đưa tin sai sự thật.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ trước khi Đà Nẵng ban hành văn bản Quyết định số 2788 bổ sung các biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch COVID- 19, trong đó, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn từ ngày 16-8 đến 23-8, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà… Một số Fanpage trên mạng xã hội đã rộ lên một số thông tin không chính thống khiến nhân dân hoang mang… Điển hình như trang Fanpage Kế toán Phòng ngự- N Golo kante cute đăng "Đợi công văn ra thì đồ ăn đã hết sạch rồi, lòng tin đã mất từ mấy vụ thiếu thực phẩm ở 4 phường phong tỏa rồi. Tôi không cần biết có công văn hay không, tôi trữ đồ trước cho chắc ăn". Các loại bình luận này khiến người dân xôn xao, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh để đổ xô mua thực phẩm tích trữ. 

Nguyễn Việt Thắng, sinh viên khoa báo chí, Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: "Thời gian gần đây, trên những trang mạng xuất hiện nhiều Fanpage bình luận, chia sẻ những thông tin tiêu cực về công tác phòng, chống dịch. Nếu mọi người đọc vào thì sẽ rất lo lắng. Là sinh viên báo chí, tôi thường hay nhắc mẹ đọc những tin chính thống, tránh nghe những thông tin sai lệch gây hoang mang".

Để tăng cường đấu tranh với các bình luận, thông tin sai sự thật, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhanh chóng phát hiện, xử lý triệt để không để các đối tượng xấu xuyên tạc, định hướng dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Theo Thiếu tá Vũ Thành Nguyên- Trưởng CAX Hòa Tiến (H. Hòa Vang) cho biết, CAX Hòa Tiến ngoài việc đảm bảo tốt công tác ANTT, phối hợp hỗ trợ với các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn cũng thường xuyên phân công cán bộ theo dõi các thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý không để dư luận hoang mang. Đơn cử vào tối ngày 4-8-2021, trên mạng xã hội lan truyền một thông tin sai sự thật: "UBND xã Hòa Tiến có ca dương tính F0 COVID-19, chính quyền đang lập chốt gần trụ sở UBND xã…". Thông tin thất thiệt này gây hoang mang trong dư luận cán bộ và người dân xã Hòa Tiến. Sau khi nhận thông tin, CAX đã tiến hành xác minh sự việc, đến tối ngày 5-8, đã xác định được  Nguyễn Hồng Lĩnh (1998), trú thôn Hà Đông, xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là đối tượng đã đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. CAX đã lập hồ sơ vụ việc đối với Nguyễn Hồng Lĩnh, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính với mức phạt 7.500.000 đồng. Do đối tượng đã có  hành vị đưa tin sai sự thật tại xã Điện Hòa, CAX đã xin ý kiến chỉ đạo CAH Hòa Vang chuyển hồ sơ cho Công an xã Điện Hòa tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Tin vào những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, người dân đổ xô đi chợ. 

Bên cạnh việc phát hiện, xử lý những đối tượng vi phạm, việc đấu tranh trực tiếp, phản bác các luận điệu, bình luận sai lệch trên không gian mạng cũng được các cán bộ chiến sỹ Công an TP triển khai mạnh mẽ. Trung tá Huỳnh Đức Lâm- Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Thi đua, Khen thưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an TP Đà Nẵng cho biết, người dân thường có tâm lý đám đông, tin vào những thông tin giật gân, câu khách trên các trang mạng xã hội và sẽ chia sẻ nó cho những người thân của mình. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được kiểm chứng nếu như chia sẻ sẽ gây sự hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng thường lợi dụng độ trễ trong việc cung cấp thông tin chính thống về dịch bệnh để tung các thông tin bịa đặt. Thủ đoạn thường dùng là lồng ghép thật giả, giả mạo thông tin, phát ngôn cơ quan chức năng bằng thông tin thất thiệt, đánh vào sự tò mò của nhân dân. Để ngăn chặn tình trạng trên, trên 2 trang Fanpage Tiên Sa và Truyền hình an ninh Đà Nẵng thường xuyên đăng các tin bài tuyên truyền về nỗ lực các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng Công an TP. Từ đó góp phần định hướng dư luận, giúp người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch, tin tưởng vào sự lãnh đạo của thành phố. Các bài viết trên 2 trang Truyền hình an ninh Đà Nẵng và Tiên Sa đều được dư luận đánh giá rất cao với hàng trăm lượt chia sẻ, nhận được nhiều sự tin cậy của người dân.

Thời gian đến, khi Đà Nẵng chuyển mình sang trạng thái chống dịch mới, người dân sẽ thường xuyên sử dụng mạng xã hội hơn. Tận dụng điều này, các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động với mục đích tạo sự bất ổn trong dư luận. Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, trong khi thành phố đang dùng mọi nguồn lực để chống dịch và chăm lo cho người dân trong khu phong tỏa, người khó khăn do dịch bệnh thì những thông tin sai trái trên không gian mạng gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, làm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 thêm khó khăn nên cần xử lý quyết liệt để răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, để công tác chống dịch được thành công cần đến sự tin tưởng của người dân. Vì vậy, khi tiếp nhận các thông tin người dân cần hết sức bình tĩnh, xác minh không để mình trở thành nạn nhân của tin giả. Người dân không nên lan truyền khi chưa kiểm chứng; theo dõi các trang thông tin chính thống, báo chí chính thống của thành phố; tố giác các đối tượng đưa tin giả không để các đối tượng này có cơ hội hoạt động…

VIỆT THÀNH