Tình thơ của một thương binh

Thứ hai, 21/07/2014 08:15

(Cadn.com.vn) - 1. Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát/ Tôi chôn cất em trai tôi- không thấy xác/Trên chiến trường phía Nam...

Hình tượng thơ Trái tim tôi là một nấm mồ của nhà thơ thương binh Hoàng Cát là một trong  những hình tượng thơ lộng lẫy nhất viết về thương binh-liệt sĩ. Hoàng Cát quê Nam Đàn (Nghệ An), nhập ngũ năm 1965-cũng lại nhằm một ngày của tháng 7-vào chiến trường Trị Thiên cho đến lúc bị trúng bom B.52 giập nát hẳn bên chân trái (năm 1969). Từng lăn lộn chiến trường nên anh thấu hiểu tấm lòng đồng đội: Tôi đã chôn biết bao nhiêu bè bạn / Giữa trái tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi/ Khải, Bí, Xin, Dành, Quyện, An.../ Không nhớ hết  từng người... Tháng Bảy nắng nôi, tôi đi với anh  về thăm các làng quê đã cưu mang anh trong chiến tranh ở Phú Lộc, Phong, Quảng (TT-Huế).

Nhà thơ Hoàng Cát.

Anh bảo: "Nhờ ơn Trời Đất phù hộ,  mình vẫn sống,  để hôm nay, tuổi gần đất xa trời, lại được đến cùng đồng đội, cùng bà con cơ sở, thế là mãn nguyện lắm rồi!”. Anh về làng biển Cảnh Dương, nơi Vũng Chân Mây, lội cát thăm chị Mẹo, một thương binh cũng cụt chân như anh. Đó là một nữ du kích Lộc Vĩnh đã bao năm cùng đơn vị anh chiến đấu, cho đến ngày cả xã Lộc Vĩnh bị bom na-pan của Mỹ đốt cháy thành tro bụi suốt mấy ngày đêm liền. Anh đi hăm hở như sắp về nhà. Hôm sau  Hoàng Cát lại tiếp tục dẫn chúng tôi về vùng quê  phía  bắc Huế  như Phong Chương, Quảng Thái, Quảng Hòa, Quảng Thuận...

Đấy là  “quê ruột” của anh. Cứ vài năm anh lại vô thăm lại các làng Triều Đông, Cao Xá, Phù Lai... Anh bảo không đi lòng day dứt không yên. Có đi với anh mới thấm hết nghĩa tình đồng chí, đồng bào. Về Phong Điền, thấy sông Bồ xanh trong quá, anh liền cởi phăng quần áo, mang chân giả lao người xuống sông tắm. Ấy là lần đầu tiên anh khoe cái chân giả với sông Bồ, với bao bà con bạn bè thân thiết. Với cái chân giả nhọc nhằn ấy, anh đã từng bước lần tìm về quá khứ, về bên những người đồng đội xưa để tưởng niệm, sẻ chia, an ủi. Anh cởi trần từ dưới sông lên, nhảy cò cò hồn nhiên sung sướng, cái chân trái cụt đến gối cứ lúc la lúc lắc. Rồi anh ngẩng đầu nhìn trời và đọc thơ sang sảng: Sướng hay khổ, vui hay buồn - số phận / Trái tim ơi ! Cứ thao thức hết mình / Ta chỉ được một lần trên Cõi sống / Tội tình chi không hát với trời xanh... Nếu quả thực có luân hồi đổi kiếp / Xin hãy cho ta trở lại kiếp thi nhân... Trái tim ấy đang đập trong lồng ngực miên man sông nước Sông Bồ...

2.Ta cảm ơn cái vỉa hè bụi bặm/ Đã nuôi ta năm tháng cơ hàn... Đọc những câu  thơ của Hoàng Cát trong tập thơ “Cám ơn vỉa hè”, bạn bè văn nghệ cả nước đều ứa nước mắt. Cảnh ngộ anh cơ cực quá. Những năm tháng ấy đã đọng thành thơ, một thứ thơ như máu tươi ròng ròng nóng hổi. Gia vị đời ta chính là Cay Đắng!/Cay đắng dạy ta thương xót Cuộc Đời này. Vâng, Cay Đắng cũng là  gia vị của miền Trung gian lao vất vả. Có lúc anh ngồi thừ người: Nén hương này tôi thắp giỗ chân tôi... Vợ chồng anh phải làm tới 17 nghề để kiếm sống, ngoài nghề viết văn viết báo. Dán hộp đựng thuốc cho  ngành dược,  cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì (món làm bằng da lợn), làm nem chạo, nuôi gà thịt công nghiệp, úm gà con giống,  nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn...

Vì  thế sau này Hoàng Cát có những câu thơ đứt ruột: chén nước chè năm xu, gói thuốc lào hào bạc/Cái kẹo vừng dỗ con nít đói cơm.../Ta cũng phải bán bán, mua mua/ Nhưng chưa bao giờ lừa lọc (Cám ơn vỉa hè). Rồi anh đọc thơ:“Trải hết nỗi đau đời ta gặp đạo / Sang hèn sướng khổ- thảy như nhau” (Tự nói với mình). Anh chiến đấu với số phận bằng ngòi bút của mình như một người lính. Trời còn cho thức đập trái tim / Ta còn viết những điều da diết nhất...(Tự nói với mình). Từ đó đến nay anh đã cho in rất nhiều bút ký, truyện ngắn và thơ. Văn chương Hoàng Cát cháy bỏng một tình yêu Tổ quốc, nhân dân, đồng đội.           

Ngô Minh