Tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng giả diễn biến phức tạp

Thứ hai, 10/04/2017 09:15

(Cadn.com.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, thực phẩm chức năng (TPCN) là một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Số sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường tăng nhanh theo từng năm. Theo đó, năm 2014 có 1.062 sản phẩm mới đăng ký; năm 2015 có 10.493 sản phẩm mới đăng ký; từ đầu năm đến 30-9-2016 có 8.008 sản phẩm mới đăng ký, trong đó có 4.855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm 60%) và 3.153 sản phẩm nhập khẩu (chiếm 40%).

Nếu như cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm TPCN thì tính đến năm 2016, cả nước đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu TPCN, trong đó có 837 cơ sở sản xuất trong nước với hơn 20.000 sản phẩm đã được công bố. Các sản phẩm cũng hết sức đa dạng, thành phần cấu tạo hết sức phức tạp. 60 - 65% TPCN được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. 

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tình trạng sản xuất TPCN giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu, giả về nguồn gốc xuất xứ) đang diễn biến phức tạp. Năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng, điển hình như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại Hà Nội và thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TPHCM. 

Phần lớn các hàng giả, kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm; sản xuất TPCN không đảm bảo vệ sinh.

Vì vậy, Bộ Y tế đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm chấn chỉnh và quản lý tốt hơn thị trường TPCN.

T.H