Tình trạng xe khách hoạt động trá hình: Tìm đủ chiêu trò đối phó

Thứ bảy, 03/08/2019 12:39

Việc xe khách trá hình đón khách trái quy định không phải là câu chuyện mới. Các nhà xe tuyến cố định "kêu khóc", các lực lượng chức năng cũng mạnh tay ra quân xử lý. Song vì lợi nhuận cao, nhà xe trá hình vẫn "nhờn luật", tìm đủ mọi cách chống chế lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

CSGT trạm cửa ô Hòa Hiệp lập biên bản, xử lý xe trá hình ngày 1-8.

Vô tư vận chuyển khách không hợp đồng

Nói về tình trạng các nhà xe tìm đủ mọi cách để né lỗi, Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng- Trạm trưởng Trạm Cảnh sát Giao thông (CSGT) cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT, CATP Đà Nẵng) nêu ví dụ: lúc 10 giờ 15 ngày 1-8, nhận tin báo của người dân, tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) của Trạm do Trung tá Rạng làm tổ trưởng đã đón lõng ô-tô 7 chỗ BKS 75A-130.76 tại đường Tạ Quang Bửu khi xe vừa lưu thông từ Huế vào Đà Nẵng. Qua kiểm tra, tất cả ghế trên xe này đều chở hành khách, nhưng tài xế Nguyễn Thiện Sang (1997, TP Huế) không thừa nhận đang chở khách thu tiền dù không xuất trình được bất kỳ phù hiệu, hợp đồng, danh sách hành khách... theo quy định. "Tài xế Sang liên tục chống chế rằng, xe đang chở người nhà vào sân bay Đà Nẵng, không phải chở khách thu tiền. Nhưng  bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ TTKS đã làm rõ ít nhất 2 hành khách trên xe khẳng định đã đặt xe qua trang Facebook xe ké miền Trung, sau đó liên hệ số điện thoại nhà xe BKS 75A-130.76 và được nhà xe đến đón khu vực Big C Huế", Trung tá Rạng nói. Theo một số hành khách, mỗi người đặt xe đi Đà Nẵng với mức giá từ 120-140.000 đồng/khách và chủ xe chỉ thu tiền khi kết thúc hành trình.

Bị "lộ", tài xế Sang phải viết tường trình, thừa nhận lỗi, chấp nhận nộp phạt và bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng.

Cũng từ phản ánh của người dân, sáng 2-8, Tổ TTKS của Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp tiếp tục chế tài nhiều ô-tô hoạt động vận chuyển khách trá hình. Trong đó, lúc tài xế Nguyễn Trung Tín (1994, quê Bình Định)  điều khiển xe BKS 75A-137.91 chở 6 khách từ Huế vào Đà Nẵng (hình thức đặt vé qua mạng có thu tiền), khi lưu thông tại tuyến đường Võ Văn Cừ thì bị lực lượng tuần tra phát hiện, xử lý. Cũng tại địa bàn Q. Liên Chiểu, tổ TTKS phát hiện xe BKS 75A-132.39 do Trương Ngọc Giàu (1991, trú Hương Sơ, TT- Huế) điều khiển chở trên xe 2 khách và xe BKS 75A-12599 do Hồ Nhật Tân (1986, quê Phú Vang, TT- Huế) điều khiển chở trên xe 5 khách. Qua kiểm tra, xác minh, hành khách trên xe đều cho hay đã đặt chỗ qua mạng để đi các xe này. Mỗi xe bị phạt 1,5 triệu đồng và tước GPLX của tài xế 2 tháng.

Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng kể rằng, trong quá trình kiểm tra, xử lý hoạt động của xe trá hình thời gian qua, rất nhiều xe được các ngành chức năng của tỉnh TT- Huế cấp phù hiệu hợp đồng, nên chủ xe đã lợi dụng phù hiệu này như một "bùa hộ mệnh" để hoạt động, tuy nhiên khi kiểm tra, tài xế không hề có hợp đồng vận chuyển khách theo quy định. "Hậu quả của việc cấp phù hiệu hợp đồng vô tội vạ đã dẫn đến nhiều nhà xe lấy đó làm bình phong hoạt động vận chuyển khách trá hình, làm phá vỡ quy hoạch tổng thể về vận tải hành khách, gây thiệt hại cho những nhà xe tuyến cố định, cụ thể là tuyến ngắn dưới 300km như Đà Nẵng- Huế - Quảng Nam- Quảng Trị... và ngược lại. Hoạt động này ngoài việc tạo ra nhiều xung đột, làm mất ANTT, còn gây thất thu một khoản thuế lớn cho Nhà nước", Trung tá Rạng nhận định.

Cũng theo Trung tá Rạng, chỉ trong vòng hơn nửa tháng trở lại đây, Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp đã xử lý hàng chục vụ hoạt động vận chuyển khách trá hình. Qua kiểm tra, rất nhiều xe vi phạm lỗi không phù hiệu, không hợp đồng và đón trả khách không đúng quy định...

Một xe trá hình vận chuyển khách bị CSGT cửa ô Hòa Hiệp phát hiện.

Cần xử nghiêm để tránh "nhờn luật"

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, điển hình nhất cho cách quảng bá về dòng xe trá hình chủ yếu câu khách từ trang Facebook "xe ké miền Trung", hoặc "xe VIP Đà Nẵng- Huế". Nhà xe công khai số điện thoại để khách hàng liên hệ, đồng thời quảng bá dàn xe "khủng", xe "VIP" thoải mái để khách hàng chọn lựa. Tùy theo chặng và loại xe, giá dao động từ 100-150.000 đồng cho các tuyến Đà Nẵng- Hội An, Đà Nẵng- Huế... Về cách phục vụ, tất cả hành khách được đón trả khách theo yêu cầu.

Cũng chính vì lượng "xe ké" quá nhiều, nên thời gian qua, các nhà xe tuyến cố định đã khóc dở mếu dở do mất một lượng khách không nhỏ, do tâm lý người đi xe yêu thích xe chất lượng, lại được đưa đón tận nơi. Cũng chính việc xe trá hình vô tư đón khách, xe tuyến cố định phải lâm cảnh đìu hiu chợ chiều. Chỉ riêng hơn 80 đầu xe đang hoạt động tuyến Đà Nẵng- Huế và ngược lại, từ khi xuất hiện xe trá hình, mỗi lần xe tuyến cố định xuất bến chỉ vài khách ít ỏi. "Mỗi ngày 1 xe xuất bến 4 lần từ Đà Nẵng đi Huế và ngược lại, mất trên dưới 600.000 đồng tiền phí. Trong khi đó xe trá hình hoạt động nhiều, xe cố định ế khách, tiền đâu chúng tôi trả bến bãi, tiền cầu đường, phụ xe, lái xe? Nếu không quyết liệt xử lý xe trá hình, các nhà xe trong bến rất thiệt thòi và nguy cơ bỏ tuyến", một nhà xe cố định nói.

Theo Thượng tá Lê Văn Lực- Phó trưởng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, tổ kiểm tra liên ngành đã phát hiện, xử lý 221 trường hợp, phạt tiền gần 470 triệu đồng, tước GPLX 120 trường hợp, tước phù hiệu 30 trường hợp. Tuy nhiên, số lượng phát hiện, xử lý còn ít so với thực tế bởi nhiều nhà xe "thông đồng" với hành khách khai báo là người thân quen đi nhờ xe, nên lực lượng chức năng khó xử lý. "Liên quan đến hoạt động của xe trá hình, thời gian qua Đại tá Lê Quốc Dân- Phó giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng CSGT vào cuộc quyết liệt. Tôi cho rằng, một trong những giải pháp để xử lý tốt hoạt động của các loại xe vận chuyển khách trá hình là các lực lượng chức năng cần chuẩn bị tốt công tác nắm tình hình, xác định được các vị trí, khu vực cũng như thời gian có nhiều "xe dù, bến cóc'', xe khách trá hình... để bố trí lực lượng, lắp camera kiểm tra, theo dõi cụ thể. Cùng với đó, cần rà soát, đánh giá lại tình hình TTATGT trong quá trình hoạt động của bến xe, từ đó nêu lên được những tác hại, nguy cơ mất ATGT của việc đón, trả khách không đúng, công bố trên các trang web của thành phố để  nhân dân biết, có ý thức vào bến đi xe", Thượng tá Lực nói.

Hoạt động của xe trá hình đã và đang gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến TTATGT. Để có những giải pháp tối ưu xóa sổ hoạt động của xe trá hình, thiết nghĩ các ngành chức năng không chỉ phạt mạnh, phạt liên tục mà nên đề xuất những khung hình phạt cao nhất, đồng thời đề nghị hình thức rút giấy phép kinh doanh, treo bằng lái... để các nhà xe hoạt động kinh doanh vận tải khách trá hình tránh "nhờn luật".

CÔNG HẠNH