Tò he phố Hội

Thứ năm, 03/05/2018 12:26

Cùng với nghề gốm, tự bao đời nay, nghề làm tò he của người dân khối phố Nam Diêu (P. Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) đã trở thành "đặc sản" mang đậm hồn cốt dân tộc, là nét đẹp văn hóa đặc trưng, ghi dấu ấn du lịch đậm chất Hội An góp phần níu chân biết bao du khách.  Giữa góc phố nhỏ, rêu phong, thanh bình trong lòng phố cổ, nghề làm tò he đã mang đến cuộc sống đầy đủ hơn cho người dân từ khi du lịch phát triển. Theo người dân làm tò he thì thời gian này là "mùa vàng" trong năm đối với họ bởi đây là mùa du lịch, lượng khách đến Hội An rất đông, thời tiết thuận lợi, có nắng kéo dài để người làm phơi khô tò he. Ông Nguyễn Sáu (54 tuổi) là người làm tò he lâu năm cho biết: "Khách du lịch họ thích trải nghiệm, thích khám phá những thứ mới lạ, đặc biệt là thích những sản phẩm tự tay họ làm ra. Tò he là sản phẩm lưu niệm, du khách có thể mang về làm quà tặng cho người thân".

Những chiếc tò he "ra lò" sau 5-7 tiếng đồng hồ được nung.

Từ đất sét được người thợ làm tò he nặn thành nhiều hình con vật như chó, chuột, gà, ngựa, heo... "Thông thường sẽ nặn theo 12 con giáp nhưng tùy khách du lịch thích con gì thì mình nặn theo con đó. Ai cũng có thể thử nặn cho mình những con vật ưa thích khi đến đây trải nghiệm, tìm hiểu", ông Sáu cho hay. Nghề làm tò he cũng tương đối đơn giản, chủ yếu cần bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của người thợ. Đất sét được nhồi nhuyễn sẽ dùng để nặn hình con vật rồi sau đó mang đi phơi ráo rồi khắc họa, đục lỗ để thổi sau đó tiếp tục phơi cho khô. Cuối cùng khi sản phẩm đã khô sẽ cho vào lò nung từ 5-7 tiếng đồng hồ là cho ra một con tò he hoàn chỉnh. "Tò he gắn với người dân phố Hội như một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng tự hào. Bên dòng sông Thu Bồn yên ả, người dân Thanh Hà ngồi nặn tò he, phục vụ du khách là một hình ảnh đẹp, bình dị mà ít nơi nào có được. Hơn thế, nó cũng mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định", ông Nguyễn Lành (83 tuổi), nghệ nhân làm tò he phấn khởi.

 Hiện nay, ở P. Thanh Hà có khoảng hơn 25 hộ theo làm nghề tò he. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều người trẻ đam mê, theo học nghề. TP Hội An hiện cũng đang có chủ trương khuyến khích, mở các lớp đào tạo, dạy nghề làm tò he cho lớp trẻ nhằm hướng đến bảo tồn, phát huy nghề truyền thống này. Đa số các hộ theo nghề tò he đều muốn truyền nghề cho con cháu để vẻ đẹp truyền thống của làng không bị phai mờ. Lớp trẻ ngày nay cũng hứng thú với công việc làm tò he, đó là một tín hiệu vui để đưa nghề làm tò he phát triển hơn nữa.

PHI NÔNG