Toàn cầu hóa và những mặt trái

Thứ tư, 15/11/2017 14:08

Bìa sách

Đã bao giờ bạn tự hỏi bên cạnh việc tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của mọi quốc gia thì hệ lụy của toàn cầu hóa là gì chưa? Hãy để Joseph E. Stiglitz – Nhà kinh tế học nhận giải Nobel năm 2001 chia sẻ với bạn qua tác phẩm “Toàn cầu hóa và những mặt trái”. Từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng như làm việc cho Hội đồng cố vấn kinh tế dưới quyền Tổng thống Bill Clinton, Ngân hàng Thế giới…, Stiglitz trực tiếp chứng kiến những tác động tàn phá của toàn cầu hóa lên các nước đang phát triển, các nước nghèo. Từ đó, Stiglitz đặt cho mình nhiệm vụ phải làm rõ mặt trái, phải lý giải vì sao toàn cầu hóa - trong tính hiện thực của nó - lại bị coi là nguồn gốc tai họa, căn nguyên của đói nghèo, bệnh tật và xung đột ở nhiều quốc gia chậm phát triển. Với gần 400 trang, Joseph E. Stiglitz  bao quát mọi mặt của vấn đề toàn cầu hóa và chỉ ra cho bạn đọc một cái nhìn nghiêm khắc đến nghiệt ngã về toàn cầu hóa, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những tổ chức quốc tế như IMF, WTO, WB… 

Và ông đã phát hiện nguồn gốc của vấn đề không phải ở bản thân quá trình toàn cầu hóa mà là ở sự hẹp hòi, thiển cận trong tầm nhìn, tính vị kỷ và lòng tham của những người vạch chính sách thúc đẩy toàn cầu hóa ở một số tổ chức quốc tế và chính phủ ở một số quốc gia giàu có. Stiglitz cũng phân tích khá kỹ về những xu hướng tất yếu như Tư nhân hóa, Tự do hóa… cùng những thách thức của quá trình này (ông đưa ra ví dụ ở Indonesia, Bostwana, Ethiopia) và lưu ý những nước đang phát triển phải quan tâm. Stiglitz  cũng cho rằng mấu chốt của vấn đề là làm sao các nước nghèo kiểm soát được trình tự và nhịp độ cải cách theo hướng thị trường - tự do hóa và mở cửa - hội nhập. Dù chủ yếu viết về “mặt trái” của toàn cầu hóa, song cuốn sách không phủ nhận quá trình này. Stiglitz coi đó là xu thế khách quan, tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, cách thức tiến hành toàn cầu hóa, bao gồm cả các hiệp định thương mại quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc dỡ bỏ những hàng rào thương mại và những chính sách đã được áp đặt lên các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa phải được suy xét lại một cách triệt để. Qua cuốn sách, J.E. Stiglitz muốn chuyển đến thế giới một số thông điệp đậm tính cảnh báo và gợi ý đối với vần đề toàn cầu hóa.

NGỌC HÀ